Dường như đây là bước khởi đầu cho một chu kỳ làm ăn mới (thâu tóm doanh nghiệp, dự án) của một doanh nghiệp đã có thâm niên hoạt động vai nhà thầu xây dựng.
Quá khứ nhà thầu
Vinaconex 3 tiền thân là Công ty Xây dựng số 5 được thành lập theo quyết định 171A/BXD-TCLĐ của Bộ Xây dựng. Sau đó được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần.
Từ khi được thành lập, Công ty chủ yếu tập trung vào nhận thầu các công trình xây dựng dân dụng, hạ tầng kỹ thuật, giao thông...
Một số công trình mang lại tên tuổi cho Vinaconex 3 là Nhà máy Sản xuất các thiết bị viễn thông VINECO Hà Nội, Sân vận động Việt Trì tỉnh Phú Thọ, Trụ sở Tổng cục Đo lường chất lượng, Nhà máy Tôn mạ mầu Thái Bình, Quốc lộ 32, Quốc lộ 14, đường giao thông thị xã Sông Công - Thái Nguyên…
Đơn vị: Tỷ đồng
Thành công nhờ bất động sản
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016, doanh thu của Vinaconex 3 đạt 557 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2015 và vượt 11% so với kế hoạch 2016. Kết quả lợi nhuận trước thuế của Công ty tăng mạnh, đạt 94 tỷ đồng (tăng 80% so với năm 2015), vượt 25% so với kế hoạch 2016, lợi nhuận sau thuế đạt 75 tỷ đồng (tăng 75% so với năm 2015), vượt 24% so với kế hoạch năm 2016.
Hoạt động kinh doanh bất động sản để lại dấu ấn cho sự tăng trưởng của Vinaconex 3. Không chỉ đóng góp cho sự tăng trưởng cho năm 2016, hoạt động bất động sản luôn gắn liền với thăng trầm của Vinaconex 3. Hơn nữa, hiệu quả quản lý chi phí hoạt động kinh doanh bất động sản cũng tốt hơn so với xây lắp (xem thêm Biểu đồ 2).
ĐHĐCĐ thường niên 2017 của Vinaconex 3 vừa diễn ra đã thông qua chiến lược quan trọng đối với mảng bất động sản. ĐHĐCĐ thông qua quyết định bổ sung ngành nghề kinh doanh mua bán nợ. Thông qua hoạt động này, Công ty muốn tiếp cận các bất động sản có giá trị lớn được dùng để bảo đảm cho các khoản nợ xấu.
Cuộc đua M&A trong lĩnh vực bất động sản ngày càng sôi động. Không nằm ngoài xu hướng này Vinaconex 3 sẽ hướng đến mô hình holding để phát triển thêm ngành nghề và sở hữu các bất động sản.
Đặt mục tiêu vào lĩnh vực bất động sản, Vinaconex 3 đã thông qua Nghị quyết chi gần 199,5 tỷ đồng để có được 95% vốn điều lệ của CMC Hà Nội. Doanh nghiệp này hiện đang và dự kiến đầu tư vào các khu đất vàng tại Hà Nội như siêu thị và văn phòng cho thuê tại 389 La Thành, Khách sạn 44B Hàng Bồ, trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê tại 247 Thụy Khuê và 115 Nguyễn Lương Bằng. Để thực hiện các dự án đầu tư của Công ty, Vinaconex có kế hoạch phát hành riêng lẻ 300.000 trái phiếu và phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên 420 tỷ đồng trong năm 2017.
Năm 2017, Vinaconex 3 đặt ra các chỉ tiêu tăng trưởng cao như: tổng doanh thu đạt 640.317 tỷ đồng (bằng 114,4% số thực hiện 2016), trong đó doanh thu từ xây lắp và bất động sản đạt lần lượt là 214.747 tỷ đồng và 397.232 tỷ đồng (bằng 195,8% và 104% số thực hiện 2016). Lợi nhuận trước thuế và sau thuế đạt 101.177 tỷ và 80.941 tỷ đồng (tăng 7,5% so với năm 2016).
Dần chuyển hướng sang thâu tóm tài sản, đầu tư vào bất động sản thông qua thâu tóm doanh nghiệp, vấn đề mấu chốt của Vinaconex 3 hiện nay là làm sao huy động được vốn, chớp thời cơ kinh doanh.
Tại thời điểm 31/12/2016, Vinaconex 3 ghi nhận khoản đầu tư 20 tỷ đồng vào Công ty Tài chính CP Vinaconex - Viettel (VVF) và không trích lập dự phòng cho khoản đầu tư này. Ngày 12/12/2016, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận sáp nhập VVF vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Theo đó, SHB có trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của VVF. Theo thông báo phát hành cổ phiếu hoán đổi ngày 18/10/2016 của SHB thì tỷ lệ chuyển đổi cổ phần giữa SHB và VVF là 1:1, dự kiến thực hiện trong vòng 90 ngày kể từ ngày 12/10/2016.
Tại thời điểm 30/12/2016, cổ phiếu SHB chỉ có giá trị là 4,6 nghìn đồng. Vinaconex 3 đang làm việc với các bên về việc thu hồi khoản góp vốn này.