Ô tô tiếp tục là mảng kinh doanh cốt lõi của Vinamotor sau khi không còn thuộc sở hữu của Nhà nước. Ảnh: Đức Thanh |
Đầu tuần qua, phiên đấu giá trọn lô 85,58 triệu cổ phần (tương đương 97,7% vốn) tại Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor) của Bộ Giao thông - Vận tải đã diễn ra thành công. Với số tiền bỏ ra để sở hữu lô cổ phần trên là 1.250,515 tỷ đồng, cao hơn giá khởi điểm chỉ 2 triệu đồng, người thắng cuộc là Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco).
Sau đợt IPO ế ẩm hồi tháng 3/2014 của Vinamotor, khi chỉ bán được vẻn vẹn 1,5 triệu trên tổng số 51 triệu cổ phần được chào bán, đợt thoái vốn toàn bộ với giá 14.612 đồng/cổ phần - cao gần gấp rưỡi so với đợt IPO, gây bất ngờ với thị trường.
Chuyên gia của CTCP Quản lý quỹ Bông Sen (Lotus IMC) đánh giá, tại thời điểm IPO, Vinamotor kém hấp dẫn do Nhà nước vẫn dự kiến nắm giữ 49% sau cổ phần hóa, cùng với bối cảnh thị trường ô tô ảm đạm. Nhưng tình hình đã khác khi nhóm cổ phiếu ngành ô tô thời gian qua có mức tăng trưởng phi mã, cùng với việc Nhà nước thoái toàn bộ vốn, nghĩa là cổ đông mới sẽ có toàn quyền quyết định tại Vinamotor.
Việc doanh nghiệp tư nhân sở hữu cổ phần chi phối tại Vinamotor tạo ra kỳ vọng doanh nghiệp này sẽ có một bộ mặt mới và sớm lên sàn, đặc biệt là khi có nhiều đồn đoán về sự liên quan giữa Vinamco và BRG Group - tập đoàn tham gia rất nhiều sự kiện IPO, bán cổ phần nhà nước sở hữu tại các doanh nghiệp trong thời gian qua.
Điều này khiến giới đầu tư đặt câu hỏi là sau khi “sang tay” cổ đông mới, Vinamotor sẽ tiếp tục kinh doanh sản xuất những lĩnh vực hiện có, hay sẽ là sự “lột xác” với những ngành nghề mới?
Nhìn lại quá trình từ khi Bộ Giao thông - Vận tải có ý định thoái toàn bộ lô cổ phần trên, đến khi phiên đấu giá diễn ra thành công, có thể thấy Vinamotor nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp lớn. Sau thông tin rùm beng về việc có 4 doanh nghiệp là CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom, CTCP ô tô TMT, CTCP Phát triển TN và Vinamco đăng ký làm cổ đông chiến lược, cuối cùng Sacom và TMT đã phải rời bỏ cuộc chơi vì không đáp ứng được một trong các yêu cầu của Vinamotor.
Trong đó, yêu cầu quan trọng nhất mà Vinamotor đề cập là tổ chức nắm giữ phải hoạt động trong cùng ngành hoặc ngành liên quan/hỗ trợ với ngành nghề hoạt động chính của Vinamotor và có vốn điều lệ ít nhất là 926 tỷ đồng, đồng thời cam kết nắm giữ số cổ phiếu này trong 5 năm.
Điều này cho thấy, ô tô tiếp tục là mảng kinh doanh cốt lõi của Vinamotor sau khi không còn thuộc sở hữu của Nhà nước. Hiện nay, ngoài lĩnh vực chính là sản xuất và lắp ráp xe bus 23-52 chỗ và xe tải có trọng tải nhỏ dưới 10 tấn với thương hiệu Vinamotor và Transinco, Vinamotor còn kinh doanh ngoài ngành vào các công ty lữ hành và khách sạn.
Kể từ sau khi cổ phần hóa, Vinamotor đã có mức tăng trưởng đáng kể trong 2 năm vừa qua. Năm 2014, Vinamotor lãi 70,4 tỷ đồng so với mức 16,7 tỷ đồng của năm 2013.
Bên cạnh đó, Vinamotor cũng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, khi đang triển khai tìm đối tác đầu tư khu đất 44 Triều Khúc (Thanh Xuân, Hà Nội) của CTCP Cơ khí ô tô Hòa Bình (vốn góp Vinamotor chiếm 67,7% vốn điều lệ). Điều này phù hợp với ngành nghề mà cổ đông chiến lược - Vinamco cũng công bố trong đăng ký thông tin chào mua cổ phần Vinamotor.
Tuy nhiên, bất động sản sẽ không phải là mảng kinh doanh chính của Vinamotor khi báo cáo về đợt thoái vốn trên cho biết, Nhà máy Cơ khí Công trình - đơn vị thành viên của Vinamotor đang sở hữu hơn 23.700 m2 đất tại Minh Khai sẽ được chuyển giao cho Bộ Công an.
Theo ông Nguyễn Hải Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinamotor, năm 2015, Vinamotor đặt kế hoạch doanh thu 871 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 72 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2015, Vinamotor đã đạt lợi nhuận trước thuế 70,4 tỷ đồng, tổng doanh thu 633,2 tỷ đồng.
Theo ước tính của CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC), doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Vinamotor năm 2015 sẽ vượt kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, HSC đánh giá, tác động của năm 2016 đối với Vinamotor sẽ chưa có nhiều thuận lợi và khó có sự tăng trưởng mạnh, vì công ty đã đạt được sự tăng trưởng nhanh kể từ 6 tháng cuối năm 2014.