Doanh nghiệp thuốc lá Việt lo lắng về sức ép cạnh tranh nếu thuốc lá lậu được tái tiêu thụ. Ảnh: Huyền Trang |
Phản ứng của các doanh nghiệp thuốc lá, bao gồm Vinataba, được đưa ra sau khi Thủ tướng có công văn yêu cầu thí điểm trong vòng 1 năm việc bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất thuốc lá nhập lậu với điều kiện các sản phẩm bị tịch thu đủ chất lượng tại Long An và An Giang.
Nhức nhối tình trạng buôn lậu thuốc lá
Là một sản phẩm có hại cho sức khỏe, thuốc lá được đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với tỷ lệ lên tới 70% (kể từ năm 2016), tăng 5 điểm % so với mức thuế từ năm 2015 trở về trước. Đấy là chưa kể khoản phí đóng góp cho Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá và Quỹ Phòng, chống buôn lậu thuốc lá. Thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại thuế phí ở mức cao một mặt giúp ngân sách thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, nhưng mặt khác kích thích hoạt động buôn lậu do mức lợi nhuận hấp dẫn. Đơn cử, 2 loại thuốc lá lậu phổ biến nhất trên thị trường hiện nay là Jet và Hero vẫn được bán với giá khoảng 14.000 - 16.000 đồng/gói, thấp hơn giá một gói Vinataba (khoảng 20.000 đồng/gói).
Theo báo cáo của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, năm 2015, Hiệp hội đã hỗ trợ các lực lượng chức năng bắt giữ và tiêu hủy lượng thuốc lá nhập lậu giá trị lên tới 33 tỷ đồng. Rõ ràng đó là phần nổi rất nhỏ của tảng băng chìm. Từ mức hỗ trợ tiêu hủy thuốc lá 3.500 đồng/gói trước đây, từ năm 2017, mức hỗ trợ này là 4.500 đồng/gói. Có nghĩa là tịch thu và tiêu hủy mỗi gói thuốc lá nhập lậu, lực lượng chức năng được hỗ trợ 4.500 đồng.
Về mặt kinh doanh, đóng góp vào Quỹ Phòng, chống buôn lậu thuốc lá giúp Vinataba và các doanh nghiệp thuốc lá giảm bớt phần nào sức ép cạnh tranh không lành mạnh đến từ các đối thủ nước ngoài.
Đề xuất lạ lùng
Do đó, UBND Long An và An Giang đã đưa ra đề xuất về việc tái xuất thuốc lá nhập lậu trên địa bàn 2 tỉnh này nhằm tăng thu cho ngân sách. Như vậy, những lô thuốc lá nhập lậu bị tịch thu sẽ được đánh giá chất lượng và tổ chức đấu giá, mang đi tiêu thụ - có thể tái xuất hoặc tiêu thụ nội địa. Thủ tướng đã đồng ý thí điểm đề xuất này trong vòng 1 năm.
Rõ ràng động thái này ngay lập tức gây sức ép cạnh tranh với Vinataba, doanh nghiệp thuốc lá lớn nhất Việt Nam, và phản ứng của Vinataba vì vậy không có gì bất ngờ.
Vinataba cho rằng, thuốc lá tiêu thụ ở Việt Nam phải tuân thủ một loạt quy định về tem nhãn; ví dụ phải là nhãn tiếng Việt, in cảnh báo một nửa diện tích mỗi mặt, dán tem mã số, mã vạch… Do vậy, để “hợp thức hóa” số lượng thuốc lá nhập lậu khổng lồ là việc không hề dễ dàng, chưa kể là trái với quy định. Việc này vô hình trung tạo ra kẽ hở pháp luật để các đối tượng buôn lậu thuốc lá vô hiệu hóa công sức phòng chống buôn lậu của lực lượng chức năng. Về thị trường, Vinataba cũng cho rằng sẽ là bất công khi các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá phải chịu các loại thuế, phí rất cao, nhưng lại phải cạnh tranh với thuốc lá nhập lậu được bán đấu giá không phải đóng thuế, trả phí…
Theo Công ước khung của Tổ chức Y tế Thế giới về kiểm soát thuốc lá (FCTC), thuốc lá nhập lậu buộc phải tiêu hủy và năm 2014 Thủ tướng đã có quyết định liên quan đến vấn đề này. Vinataba cũng lấy dẫn chứng, từ năm 2012, việc tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu đã từng được làm thí điểm trong 2 năm. Tuy nhiên thực tế cho thấy phương án này có quá nhiều bất cập. Tại Quảng Trị, lực lượng chức năng đã từng đánh dấu một lô thuốc lá lậu trước khi cho tái xuất, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, chính lô hàng này lại xuất hiện tại Việt Nam.
Hiện vẫn chưa có phản ứng cụ thể từ Văn phòng Chính phủ về đề nghị này của Vinataba và các doanh nghiệp thuốc lá.