Tình hình kinh doanh của Vinawaco có nhiều dấu hiệu khởi sắc sau khi cổ phần hóa. Ảnh: Tiên Giang |
Cải thiện hàng ngày
Nhiều năm trước cổ phần hóa, Vinawaco liên tục làm ăn thua lỗ. Trong 3 năm từ 2010 - 2012, Công ty lỗ hợp nhất lần lượt 54,5 tỷ đồng, 69,9 tỷ đồng và 44,5 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh của công ty mẹ mặc dù khả quan hơn, nhưng cũng không thực sự sáng sủa. Nửa đầu năm 2013, công ty mẹ Vinawaco lỗ ròng 55,5 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí lãi vay của các khoản công nợ tồn đọng, khấu hao thiết bị không có việc làm trong 6 tháng…
Người ta đánh giá Vinawaco là một trong những doanh nghiệp làm ăn bê bết nhất của ngành giao thông. Thậm chí, Thủ tướng Chính phủ từng 2 lần yêu cầu làm thủ tục phá sản do nợ đọng, thua lỗ triền miên. Vinawaco cùng “bộ đôi” Vinashin, Vinalines liên tục gây sóng gió dư luận với tình trạng làm ăn thua lỗ, nguy cơ phá sản và các khoản nợ khổng lồ. Bên cạnh 2 ông lớn đó, Vinawaco không hề thua kém khi ngập trong mớ bòng bong kiện cáo.
Thế nhưng, đầu năm 2014, Vinawaco là một trong ít các doanh nghiệp trực thuộc Bộ GTVT tổ chức IPO sớm và thành công khi số lượng cổ phần đặt mua gấp 3 lần số lượng chào bán. Hiện tại, Bộ GTVT (đại diện phần vốn nhà nước) nắm giữ gần 11 triệu cổ phần Vinawaco, tương đương 36,3% vốn điều lệ công ty này. Vốn điều lệ của Vinawaco hiện nay đạt 300 tỷ đồng. Bộ GTVT cũng đang lên kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại Vinawaco.
Quay trở lại quá trình cổ phần hóa Vinawaco, có người nói công ty này may mắn khi IPO thành công và nhanh chóng tìm được cổ đông chiến lược là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, theo lời ông Ngô Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng, đó là khoản đầu tư tiềm năng. Hiện tổ chức này đang nắm giữ 61% cổ phần Vinawaco sau khi bỏ ra hơn 200 tỷ đồng để mua “cục nợ” này.
Năm 2014, Vinawaco chính thức lãi trước thuế 8,5 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 8,2 tỷ đồng. Năm 2015, con số này tăng lên 2,2 lần, đạt gần 19 tỷ đồng, nộp ngân sách 26 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2016 được đề ra với các chỉ tiêu xấp xỉ con số thực hiện năm 2015. Đặc biệt, Vinawaco dự kiến năm 2016, Công ty sẽ bắt đầu chia cổ tức với tỷ lệ từ 3,5 - 4%.
So với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, kết quả kinh doanh của Vinawaco những năm gần đây chưa thể gọi là thành tích đáng kể. Tuy nhiên, từ một doanh nghiệp làm ăn bết bát, những bước tiến của Vinawaco đáng được ghi nhận.
Trúng thầu và… không đạt yêu cầu
Với Cienco 8, câu hỏi người ta đặt ra là tại sao một doanh nghiệp thua lỗ liên miên, báo cáo tài chính bị kiểm toán đưa nhiều ý kiến ngoại trừ vẫn liên tục trúng thầu. Thế nhưng với Vinawaco, câu hỏi đặt ra lại là, một doanh nghiệp đang nỗ lực cải thiện tình hình tài chính từng ngày lại bị bêu tên. Có lẽ không phải năng lực tài chính, việc bị xếp hạng “chưa đáp ứng yêu cầu” có những nguyên nhân khác.
Theo Bộ GTVT, kết quả công bố căn cứ trên cơ sở tổng hợp của nhà đầu tư, đánh giá tình hình thực hiện của nhà thầu xây lắp trong năm 2015. Ngoài công tác huy động tài chính, các tiêu chí đánh giá dựa trên những diễn biến thực tiễn trên hiện trường như máy móc; khả năng đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng công trình; an toàn lao động; giải quyết các thủ tục thanh toán, nghiệm thu và việc thực hiện trách nhiệm bảo hành công trình.
Thực tế, trong năm 2015, lợi nhuận của Vinawaco tăng trưởng rõ rệt so với trước đó. Kết quả đó phải chăng đến từ những gói thầu “không đạt yêu cầu”?
Hiện Vinawaco, Cienco 8 cũng như 24 nhà thầu khác bị “bêu tên” vẫn chưa có phản hồi về bản danh sách nói trên. Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục thông tin xung quanh việc xếp hạng nhà thầu của Bộ GTVT.