VND tăng giá có đáng ngại?

(BĐT) - Nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng giảm giá đồng nội tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, VND có xu hướng tăng giá so với USD và giữ ổn định ở mức khá cao trong 2 ngày đầu tuần này. Tuy nhiên, giới nghiên cứu cho rằng, mức tăng giá của VND chưa đáng ngại cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, xuất khẩu khả quan, thì VND tăng giá một chút so với USD không phải là vấn đề đáng ngại. Ảnh: Tường Lâm
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, xuất khẩu khả quan, thì VND tăng giá một chút so với USD không phải là vấn đề đáng ngại. Ảnh: Tường Lâm

Các nước có xu hướng giảm giá đồng tiền

Ngày 16/7, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm tỷ giá trung tâm về mức 23.062 đồng/USD, giảm 1 đồng so với phiên giao dịch trước đó. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần là 23.754 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.370 đồng/USD. 

Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước duy trì giá mua vào ở mức 23.200 đồng/USD, trong khi giá bán ra được niêm yết thấp hơn giá trần 50 đồng, ở mức 23.704 đồng/USD.

Tại một số ngân hàng có giao dịch ngoại tệ lớn, tỷ giá USD/VND gần như được duy trì như phiên trước đó. Giá bán tại các ngân hàng phổ biến trong khoảng 23.250 - 23.260 đồng/USD.

Thống kê của Bộ phận nghiên cứu thuộc Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, trong tuần từ 8 - 12/7, VND tiếp tục lên giá so với USD. Cụ thể, tỷ giá giao dịch USD/VND giảm 50 đồng/USD, tương ứng mức mua vào/bán ra là 23.140/23.260 đồng/USD tại các ngân hàng. Trên thị trường tự do, tỷ giá USD/VND giảm 30 đồng/USD, về mức mua vào/bán ra là 23.200/23.220 đồng/USD.

Theo SSI Research, diễn biến đồng USD phụ thuộc vào hành động của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Phiên điều trần ngày 10/7 của Chủ tịch FED Jerome Powell đã củng cố niềm tin FED chắc chắn sẽ giảm lãi suất vào cuối tháng này.

Không chỉ FED, ngân hàng trung ương các nước Nhật Bản, Anh, châu Âu cũng đều đưa ra tín hiệu về phương án giảm lãi suất. Thực tế, một số ngân hàng trung ương đã giảm lãi suất như Australia, Ấn Độ, Nga, Chile… để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Mặt bằng lãi suất toàn cầu giảm xuống sẽ giảm áp lực với lãi suất huy động và cho vay trong nước. Do đó, khi niềm tin giảm lãi suất được củng cố, đồng USD đã quay đầu giảm sau khi phục hồi tuần trước đó.

Nhận xét về xu hướng tỷ giá này, TS. Đặng Đức Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đà tăng giá VND so với USD trong những ngày gần đây là có thể dự báo và chưa đến mức đáng lo.

Bởi lẽ, xu hướng tỷ giá này từng xảy ra trước đó nhưng thặng dư cán cân thương mại của Việt Nam hiện ở mức khá lớn, đạt gần 1,6 tỷ USD trong 6 tháng, qua đó tạo tâm lý tốt cho thị trường.

“Các nước lớn có xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ bằng việc hạ lãi suất tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại khiến VND tăng giá nhẹ. Tuy nhiên, mức tăng giá này không quá lớn. Bên cạnh đó, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn khả quan củng cố thêm niềm tin về triển vọng ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới”, ông Đức Anh nói. 

Cân nhắc giữa xuất khẩu và ổn định vĩ mô

Ông Đặng Đức Anh nhấn mạnh: “Khi tính bài toán tỷ giá, điều quan trọng nhất cần xem xét là tình hình xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt giá trị lớn với mức tăng trưởng cao, trong khi kim ngạch xuất khẩu của nhiều nước trên thế giới có mức tăng thấp, thậm chí giảm. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, kim ngạch xuất khẩu khả quan thì việc VND tăng giá một chút so với USD cũng không phải là vấn đề đáng ngại”.

Về xu hướng tiếp tục giảm giá đồng nội tệ của các nước lớn, theo Phó Giám đốc NCIF, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ cần tích cực theo dõi xem có thực sự họ chủ động phá giá hay không, hay đó chỉ là biến động nhất thời trên thị trường.

“Nước nào cũng sẽ cân nhắc và rất thận trọng trước mỗi quyết định phá giá, bởi giải pháp đó vừa có lợi vừa có hại. Về lợi ích, việc phá giá đồng tiền có thể thúc đẩy xuất khẩu. Ngược lại, một đồng nội tệ suy yếu có thể có tác động tâm lý, đặc biệt làm giảm giá trị lợi nhuận của nhà đầu tư nước ngoài khi họ muốn chuyển đổi lợi nhuận sang đồng tiền nước họ. Một số nước trên thế giới đã từng phải chứng kiến dòng vốn đầu tư rút ra khỏi nước mình khi quyết định giảm giá đồng nội tệ. Do đó, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ linh hoạt điều hành tỷ giá USD/VND để tránh tác động tiêu cực. VND giữ mức giảm giá từ 1-2% so với USD trong cả năm nay là phù hợp”, ông Đức Anh bình luận.

Tin cùng chuyên mục