VNPT tắc thoái vốn ngoài ngành

Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) đang gặp nhiều khó khăn trong thoái vốn ngoài ngành.
VNPT đang cố gắng thoái vốn ngoài ngành để tập trung cho lĩnh vực chính. Ảnh: Đức Thanh
VNPT đang cố gắng thoái vốn ngoài ngành để tập trung cho lĩnh vực chính. Ảnh: Đức Thanh

Kế hoạch thoái vốn bất thành

Cuối cùng thì mục tiêu thoái toàn bộ 71,5 triệu cổ phần của VNPT tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) trong năm 2015 đã không thành, mặc dù VNPT đã 2 lần nộp hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để bán cổ phần tại Maritime Bank. Điều này đồng nghĩa với việc hơn 700 tỷ đồng vốn của VNPT tại ngân hàng này chưa được thoái theo yêu cầu của Chính phủ.

Được biết, bắt đầu từ tháng 8/2011, VNPT đã có những động thái đầu tiên trong việc thoái vốn đầu tư tại Maritime Bank, thông qua việc bán đấu giá quyền mua 25 triệu cổ phần của ngân hàng này. Tuy nhiên, VNPT đã không thành công, vì không có nhà đầu tư nào đặt mua. Nguyên nhân là do thị trường chứng khoán, tài chính quá xấu. Thời điểm đó, VNPT là cổ đông lớn thứ hai của Maritime Bank với tỷ lệ sở hữu 12,53% vốn điều lệ.

Mới đây nhất, đầu tháng 1/2016, VNPT tiếp tục thông báo đấu giá lần 3 cổ phần của VNPT tại Cadico. Trước đó, hồi tháng 6/2015, VNPT phải ra thông báo hủy phiên đấu giá lần 2 cổ phần của VNPT tại Cadico, do đến hết thời hạn nhà đầu tư được đăng ký tham gia đấu giá và đặt cọc mà vẫn không có nhà đầu tư nào đăng ký mua hồ sơ tham gia đấu giá.

Hai ví dụ trên cho thấy, VNPT đang rất khó khăn trong thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Vì sao thoái vốn chậm chạp?

Theo Báo cáo của Tập đoàn VNPT, trong năm 2015, VNPT đã thực hiện đấu giá thành công 3 doanh nghiệp, hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần theo phương thức giao dịch khớp lệnh qua Sở Giao dịch chứng khoán đối với 1 doanh nghiệp, với tổng giá trị thu về hơn 322 tỷ đồng, chênh lệch lãi so với mệnh giá là hơn 182 tỷ đồng; thu hồi từ 1 quỹ đầu tư là 12,3 tỷ đồng (tổng giá trị thu hồi lũy kế là 16,8/30 tỷ đồng vốn đầu tư).

Hiện tại, VNPT cho biết vẫn đang tích cực triển khai công tác đấu giá đối với 22 doanh nghiệp, triển khai thủ tục giải thể, phá sản đối với 8 doanh nghiệp.

Theo ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, có 2 nguyên nhân khiến công tác thoái vốn thông qua đấu giá gặp nhiều khó khăn.

Thứ nhất là do thị trường tài chính tiếp tục ảm đạm, VNPT thông báo đăng ký bán vốn nhiều lần nhưng chưa có người mua. Trong khi đó, vẫn chưa có hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về trình tự, thủ tục tiếp theo để triển khai thoái vốn đối với các danh mục đã bán đấu giá, thỏa thuận lần 2 không thành công. VNPT cũng như nhiều doanh nghiệp khác không được và cũng không dám bán cổ phần dưới mệnh giá.

Thứ 2 là tại một số doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có điều kiện như lĩnh vực tài chính, buộc phải có sự cho phép và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Nếu những cơ quan này chưa “gật đầu”, chưa “chỉ lối” thì doanh nghiệp cũng không được bán vốn.

Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo VNPT cũng thừa nhận việc thoái vốn khó nhất tại những công ty chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán, chủ yếu là tại các doanh nghiệp cổ phần trong lĩnh vực xây lắp, thiết kế nằm rải rác ở các tỉnh, thành phố đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và không có nhà đầu tư quan tâm.

Theo ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch  Hội đồng thành viên VNPT, việc thoái vốn ở các công ty cổ phần có vốn góp ngoài ngành của VNPT không theo kiểu “tháo chạy”. Mục tiêu của VNPT là làm sao giúp công ty đó phát triển. Nếu nhiều công ty cổ phần cùng làm một lĩnh vực thì phải sắp xếp lại, còn công ty nào có khả năng, tiềm năng sản xuất kinh doanh có hiệu quả, VNPT sẽ hỗ trợ phát triển, như vậy khi thoái vốn, VNPT mới có lợi.

Tin cùng chuyên mục