Vợ chồng Trung Nguyên chưa thống nhất chia khối tài sản 7.757 tỷ đồng

Ngoài các bất động sản đã chia đôi, hai bên chưa tìm được tiếng nói chung về tài sản trong ngân hàng và số cổ phần tại Trung Nguyên.

Chiều 21/2, nêu quan điểm bảo vệ lợi ích cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ, luật sư Hoàng Hữu Nhân cho biết, nhiều năm qua, ông Vũ nỗ lực hàn gắn nhưng bà Lê Hoàng Diệp Thảo không đồng ý. Đến nay, "hố sâu" ngăn cách tình cảm đã lớn khiến ông không muốn níu kéo. Cả ông Vũ và bà Thảo thuận tình ly hôn nên mong tòa chấp nhận.

Ông Vũ đề nghị, nếu tòa tuyên giao 4 con cho bà Thảo chăm sóc, phải ghi nhận trong bản án ông được quyền thăm con và không ai được cản trở, ông và gia đình bên nội được đón các con về vào cuối tuần để những đứa trẻ không thiếu vắng sự chăm sóc, giáo dưỡng của cha và bên nội.

Về tài sản hai bên chưa thống nhất như bất động sản, tài sản chung là phần vốn góp của bà Thảo trong các công ty ngoài Tập đoàn Trung Nguyên, phía ông Vũ đề nghị tách ra thành một vụ án khác để giải quyết.

Ông Vũ tỏ ra gay gắt mỗi khi nói về vợ. 

Đối với những bất động sản đã được thống nhất, ông Vũ đồng ý với ý kiến của bà Thảo là chia đôi. Theo đó, bà Thảo sẽ nhận những nhà đất đang quản lý có giá trị hơn 375 tỷ đồng. Ông Vũ nhận những bất động sản do ông đang quản lý với tổng giá trị hơn 350 tỷ đồng. Phần chênh lệch 25 tỷ đồng bà Thảo sở hữu, luật sư đề nghị bà thanh toán lại cho ông Vũ 12,5 tỷ.

Theo luật sư, bà Thảo đang nắm giữ khối tài sản chung của hai vợ chồng tích lũy 20 năm, tòa đã xác minh tại các ngân hàng là hơn 2.102 tỷ đồng. Đối với tài sản này ông Vũ yêu cầu tòa án chia theo tỷ lệ 70/30. Ông Vũ hưởng 70% tương đương 1.472 tỷ đồng, bà Thảo hưởng hơn 880 tỷ.

Với tài sản là cổ phần tại các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên mà toà đã trưng cầu, ông Vũ cũng đề nghị tỷ lệ chia tương tự. Theo đó, tổng trị giá cổ phần ông Vũ yêu cầu được sở hữu là 3.958 tỷ đồng, bà Thảo nhận 1.696 tỷ.

Như vậy tổng số tài sản chung của vợ chồng ông Vũ không thỏa thuận phân chia được là 7.757 tỷ đồng. Nếu chia theo tỷ lệ 70/30 trên tổng số tiền này, ông Vũ được hưởng 5.430 tỷ, bà Thảo nhận 2.327 tỷ. Do bà Thảo đang sở hữu khoản tiền tại các ngân hàng có giá trị 2.102 tỷ đồng và 12 tỷ đồng tiền chênh lệch bất động sản, ông Vũ sẽ thanh toán cho bà số tiền còn lại là 211 tỷ đồng.

Căn cứ để ông Vũ được hưởng tỷ lệ cao gấp nhiều lần bà Thảo, theo luật sư, là áp dụng nguyên tắc "công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung" và có tính đến yếu tố "bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập".

Tiếp đó, luật sư Nhân đưa ra quan điểm thể hiện ông Vũ là "người đầu tiên và duy nhất" sáng lập, xây dựng thương hiệu Trung Nguyên nổi tiếng trong nước và thế giới. Điều này thể hiện trong các giấy phép đăng ký kinh doanh mà Trung Nguyên được cấp. Từ đó, luật sư cho rằng, để ông Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần, thanh toán lại bằng tiền cho bà Thảo với phần sở hữu là chính đáng.

Bà Thảo tại toà 

Bảo vệ cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo, luật sư Trương Trọng Nghĩa kịch liệt phản đối quan điểm phía ông Vũ. Ông nói, phải mất ít nhất 5 tiếng đồng hồ mới đủ để đưa ra các chứng cứ về sự đóng góp của bà Thảo cho Trung Nguyên. Việc luật sư của ông Vũ nói "đưa bà Thảo ra khỏi công ty thì Trung Nguyên mới phát triển lên tầm mới" là sai lầm.

Trước đó, luật sư Phan Trung Hoài (bảo vệ cho bà Thảo) bày tỏ sự tiếc nuối cho cuộc hôn nhân đẹp của vợ chồng thân chủ. Luật sư chỉ ra nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ là do ông Vũ không quan tâm cho gia đình, có những biểu hiện không minh mẫn, dẫn tới mâu thuẫn hai bên kéo dài không thể níu kéo.

Luật sư Hoài khẳng định bà Thảo đã đóng góp rất nhiều cho Trung Nguyên "có khi hơn cả ông Vũ". Nhưng hành trình, tầm nhìn và bước đi của ông Vũ đối với tập đoàn này không có bóng dáng của vợ con. Luật sư hy vọng bản án phải chỉ ra nguyên nhân thực tế dẫn đến hôn nhân không hạnh phúc, thỏa thuận cũng đã không đạt được.

Về phần phân chia tài sản, luật sư đề nghị phải lấy mốc thời điểm tạo lập khối tài sản chung của hai vợ chồng từ khi nào. Quá trình này không đơn giản chỉ hướng đến công sức, giá trị của thương hiệu... "Một người phụ nữ làm nội trợ cũng tương xứng công sức của người chồng ra chiến trường, thương trường gầy dựng. Đó là sự đánh giá ngang bằng, không thể chênh lệch", luật sư Hoài nhấn mạnh.

Ông cho rằng, tỷ lệ 70/30 như đề nghị của phía ông Vũ là không có căn cứ, không bình đẳng. "Tỷ lệ phân chia tài sản được đưa ra phải hàm chứa tính nhân văn, thể hiện sự bất bình đẳng", ông nói.

Theo luật sư, nguyên tắc vận dụng khi tranh chấp tài sản ly hôn là phải xét hoàn cảnh gia đình, điểm xuất phát tạo lập tài sản chung của vợ chồng... và những thứ này đều có sau thời điểm vợ chồng ông Vũ kết hôn.

Trước đó, bà Thảo trình bày nguyện vọng xin được tiếp tục ly hôn. Về tài sản chung của hai vợ chồng tại tập đoàn bà yêu cầu được chia đôi.

Phần tranh luận của các bên kéo dài đến hơn 18h. HĐXX thông báo sẽ tiếp tục làm việc vào chiều 25/2.

Tin cùng chuyên mục