Quang cảnh diễn đàn VRDF 2018. Ảnh: Lê Tiên |
Diễn đàn có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng và Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione.
Với phương thức tổ chức thường niên, VFDF được kỳ vọng sẽ trở thành Diễn đàn cải cách và phát triển thường niên lớn nhất Việt Nam với sự tham gia của các chuyên gia, học giả hàng đầu trên thế giới, đề xuất được những giải pháp, hành động cải cách và phát triển có tính khả thi cao.
VRDF lần thứ nhất có chủ đề "Tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới".
Tại phiên thảo luận "Tầm nhìn Việt Nam trong thế giới thay đổi nhanh", các diễn giả chia sẻ quan điểm, khuyến nghị về những cơ hội và thách thức với Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang thay đổi mạnh mẽ và những hành động Việt Nam cần làm để vượt qua thách thức, vươn tới khát vọng.
Tại phiên thảo luận về chủ đề "Động lực tăng trưởng mới: Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghiệp 4.0" và “Phát triển khu vực kinh tế tư nhân”, các ý kiến thảo luận xoay quanh những rào cản, chỉ ra khoảng cách công nghệ của nền sản xuất Việt Nam so với trình độ công nghệ 4.0. Đồng thời, nêu ra những chính sách để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ở Việt Nam, đổi mới sáng tạo thông qua hợp tác giữa ngành công nghiệp và các trường đại học.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, nền kinh tế Việt Nam những năm tới hứa hẹn cả những thách thức và cơ hội đan xen. Một số kịch bản kinh tế đã được đưa ra với triển vọng tăng trưởng trung bình của Việt Nam ước đạt 6,85% trong các năm 2018 - 2020. Mặc dù vậy, Chính phủ vẫn luôn ý thức được những thách thức và khó khăn, cả những vấn đề nội tại cũng như những tác động khách quan từ bên ngoài có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
“Câu hỏi lớn đặt ra hiện nay là làm thế nào để tận dụng triệt để được mọi cơ hội, nhất là cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vượt qua được các khó khăn, thách thức, làm rõ các động lực tăng trưởng mới với tầm nhìn phát triển trong kỷ nguyên mới gắn liền với tư duy đổi mới, cải cách để tìm ra phương án tốt nhất cho bài toán tăng trưởng và phát triển của Việt Nam, hướng tới tăng trưởng bứt phá, phát triển nhanh và bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặt vấn đề.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh CMCN 4.0 đang tác động mạnh mẽ, nếu không thực hiện đồng thời cải cách và phát triển, Việt Nam sẽ ngay lập tức bị tụt hậu so với thời đại. Đây là thời điểm “vàng” bởi Việt Nam đang đứng trước những cơ hội quý. Cơ hội về tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao, tỷ lệ qua đào tạo ngày càng tăng; cơ hội về hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; cơ hội tiếp cận và tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cơ hội về dòng vốn đầu tư từ các nền kinh tế phát triển, từ các tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia ngày càng chảy nhiều hơn vào các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi...
“Thời gian và vận hội sẽ không chờ đợi chúng ta! Chúng ta không thể không không nắm bắt lấy những cơ hội quan trọng này. Chúng ta phải cải cách và phát triển với tất cả sự quyết tâm, với sức mạnh mà hơn 30 năm trước chúng ta đã làm được”, Bộ trưởng khẳng định.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra, để làm được điều này, cần phải ý thức được những vấn đề khó khăn, thách thức phải giải quyết trong giai đoạn tới, nhất là những vấn đề về giải quyết mối quan hệ giữa cải cách và phát triển, trong cả nhận thức và hành động; dự báo và ứng phó được với những tác động bất lợi của cuộc CMCN 4.0 trong bối cảnh phải: một mặt, phát hiện và tận dụng được những cơ hội do cuộc cách mạng này đem lại, nhất là trong các vực công nghệ; cải thiện cho được những chỉ số cấu thành năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam, nhất là về môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh, hạ tầng, tiếp cận với công nghệ thông tin và truyền thông; huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là nguồn lực của khu vực tư nhân, nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển khu vực kinh tế tư nhân năng động, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh toàn cầu phải trở thành động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế đất nước. Liên kết, hợp tác cùng phát triển giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài; ứng phó hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, đảm bảo phát triển bền vững...; và mặt khác, giảm thiểu được những thách thức, tác động tiêu cực của cuộc cách mạng này, nhất là việc sử dụng ngày càng rộng rãi robot thay thế cho con người.
Ra mắt Khung chính sách kinh tế Việt Nam
Ngay tại phiên khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã công bố ra mắt Khung chính sách kinh tế Việt Nam. Đây là tài liệu tổng hợp các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, cập nhật các xu thế diễn biến mới của thế giới và tham khảo Báo cáo 2035 nhằm giới thiệu chính sách phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn, đồng thời trả lời câu hỏi “Việt Nam đang ở đâu, cần làm gì và như thế nào”.
Đây là một tài liệu mang tính khái quát, gửi thêm thông điệp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động nguồn lực cho phát triển nhằm cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hài hòa và bền vững.
Việc xây dựng tài liệu Khung chính sách kinh tế Việt Nam đã được triển khai từ cuối năm 2017. Tiếp nối kết quả nghiên cứu của Báo cáo Việt Nam 2035 được Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 2/2016; được sự đồng ý cho phép triển khai của Thủ tướng Chính phủ, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với sự phối hợp từ Chương trình Đối tác chiến lược Australia và Nhóm Ngân hàng Thế giới, nhóm nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã tổ chức nghiên cứu, cập nhật những quan điểm, đường lối, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước và trình bày trong ấn phẩm Khung chính sách kinh tế Việt Nam.