Các bị cáo phản ứng, không cho báo chí chụp hình tại tòa |
Ngày 15/3, phiên xử ông Lê Quang Trí (cựu Tổng giám đốc Navibank) và đồng phạm về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tiếp tục phần tranh luận.
Tại tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Thị Thu Hiền cho rằng vụ án Navibank hiện đang xử có thể xem là vụ án "hậu Huyền Như" vì vụ án được khởi tố theo kiến nghị của bản án phúc thẩm HĐXX vụ án Huyền Như.
Theo bản án của vụ án Huyền Như, HĐXX tuyên bị án Huyền Như đã chiếm đoạt 200 tỉ đồng của Navibank. Huyền Như bị tuyên tội lừa đảo mà tội này bao giờ cũng được phát sinh từ một mối quan hệ xã hội, đó là mối quan hệ giữa “kẻ đi lừa” và “người bị lừa”. Tòa đã kết tội Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt 200 tỉ đồng của Navibank, vậy trong mối quan hệ này Huyền Như là “kẻ đi lừa” và Navibank là “người bị lừa”.
Luật sư này lập luận: Navibank là một pháp nhân, hoạt động phải thông qua các cá nhân với các chức vụ, quyền hạn nhất định theo Luật Các tổ chức tín dụng. Chính vì thế mà pháp luật không truy tố hình sự đối với Navibank mà truy tố các cá nhân có chức vụ, quyền hạn của Navibank. Vậy nói Navibank bị Huyền Như lừa, tức là xác định 10 cá nhân là các bị cáo trong phiên tòa này bị Huyền Như lừa. Nếu các bị cáo bị Huyền Như lừa thì họ không có lỗi cố ý nên không đủ yếu tố cấu thành tội cố ý làm trái...
Còn luật sư của bị cáo Lê Minh Trí (nguyên Tổng giám đốc Navibank) cho rằng ông và các bị cáo Navibank đã chọn VietinBank là ngân hàng của Nhà nước có uy tín để gửi tiền. Thực tế, việc tất toán các khoản tiền gửi ở Ngân hàng VietinBank Chi nhánh Nhà Bè là an toàn. Khi gửi tiền các nhân viên Navibank không biết Huỳnh Thị Huyền Như, phù hợp với lời khai của bị án Như. Dòng tiền đã vào tài khoản của các nhân viên Navibank lập ở VietinBank an toàn nên việc mất 200 tỉ đồng thuộc về trách nhiệm của VietinBank.
“Việc những người lãnh đạo và nhân viên Navibank đã bị mất tài sản của mình mà còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự là đáng tiếc” – luật sư lập luận.