Từ đầu năm 2012 đến tháng 9/2015, tuyến ống nước sông Đà bị vỡ 14 lần, 18 ống bị phá hủy |
Trong vụ án này, có 9 bị can bị truy tố; trong đó, 3 bị can thuộc Ban quản lý Dự án, gồm: Hoàng Thế Trung (SN 1960, nguyên Giám đốc), Nguyễn Văn Khải (nguyên Phó giám đốc), Trương Trần Hiển (SN 1957, nguyên Trưởng phòng Vật tư, thiết bị); 2 bị can thuộc CTCP Ống sợi thủy tinh Vinaconex (Viglafico), gồm: Trần Cao Bằng (SN 1954, nguyên Giám đốc), Vũ Thanh Hải (SN 1960, nguyên Trrưởng phòng Sản xuất).
4 bị can khác thuộc CTCP Nước và Môi trường Việt Nam (Viwase), gồm: Đỗ Đình Trì (SN 1968, nguyên Trưởng đoàn tư vấn giám sát), Nguyễn Biên Hùng (SN 1950), Hoàng Quốc Thống (SN 1955), Bùi Minh Quân (SN 1972). Các bị cán bị truy tố tại điểm b, khoản 2, Điều 229, Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất là 10 năm tù.
Theo cáo trạng, để đáp ứng nhu cầu nước sạch của người dân và đầy nhanh tốc độ đô thị hóa của chùm đô thị phía Tây Hà Nội, Vinaconex đã đầu tư xây dựng Dự án cấp nước sông Đà. Trong 8 hạng mục của Dự án, có tuyến ống truyền tải nước sạch dài 46 km, được làm bằng vật liệu bê tông cốt thép và ống gang dẻo.
Sau khi hồ sơ dự án được phê duyệt, ngày 15/4/2004, HĐQT Vinaconex ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh thay đổi vật liệu sang ống composite cốt sợi thủy tinh. Sau đó, HĐQT Vinaconex đã có quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu, phân chia các hạng mục, gói thầu, lựa chọn nhà thầu cho Dự án.
Theo đó, nhà thầu tư vấn thiết kế và tổng dự toán là CTCP Tư vấn xây dựng Vinaconex (Vinaconsult); nhà thầu sản xuất và cung cấp ống và phụ kiện ống cốt sợi thủy tinh lắp đặt cho tuyến ống truyền tải nước sạch của Dự án là Nhà máy sản xuất ống nhựa cốt sợi thủy tinh Vinaconex, sau đó được chuyển đổi thành nhà thầu là CTCP Ống sợi thủy tinh Vinaconex (Viglafico); nhà thầu thi công xây dựng lắp đặt tuyến ống là các công ty thành viên của Vinaconex; nhà thầu tư vấn giám sát thi công xây dựng lắp đặt tuyến ống nước là Viwase. Tổng mức đầu tư của Dự án là 1.450 tỷ đồng, riêng vốn đầu tư cho tuyến ống truyền tải nước sạch là 453 tỷ đồng.
Theo quyết định của Vinaconex, Ban quản lý Dự án cấp nước Sông Đà – Hà Nội được thành lập do Hoàng Thế Trung làm Giám đốc. Giữ vai trò quản lý, giám sát, điều hành thi công, song Ban quản lý Dự án lại không làm tròn nhiệm vụ, thiếu kiểm tra, kiểm soát nguyên liệu đầu vào và thi công cũng như công tác nghiệm thu không đảm bảo chất lượng.
Theo cáo buộc, khi thương thảo, ký kết hợp đồng, các bị can tạo sơ hở cho Viglafico cung ứng vật tư, vật liệu, không thí nghiệm kiểm tra đầy đủ các chỉ tiêu cơ lý. Hợp đồng thể hiện, chỉ có 5/7 chỉ tiêu được thực hiện. Mặc dù phát hiện 94 ống không đạt tiêu chuẩn, Ban quản lý Dự án không thu hồi mà vẫn cho lắp đặt; ký 73 biên bản nghiệm thu giai đoạn cung cấp ống, xác nhận hơn 5.000 sản phẩm ống composite và phụ kiện.
Kết quả điều tra cho thấy, nguồn ống composite và phụ kiện được cung cấp bởi Công ty TNHH thương mại Dụ Hòa (Trung Quốc).
Từ năm 2005 - 2008, Viglafico lập đơn công nghệ sản xuất từng chủng loại ống, tổ chức sản xuất, thí nghiệm kiểm tra chấp lượng và cung cấp cho dự án hơn 5.000 chi tiết sản phẩm, gồm ống và phụ kiến ống là côn, tê, cút, bích. Khi bàn giao, mỗi sản phẩm có 1 bộ hồ sơ kiểm tra chất lượng xuất xưởng với 5 chỉ tiêu. Tuy nhiên, Viglafico không thử nghiệm 2 chỉ tiêu cơ lý là độ biến dạng uốn hướng vòng dài hạn và áp suất thiết kế thủy tĩnh dài hạn thực hiện trong 10.000 giờ theo tiêu chuẩn ANSI/AWWA. Việc thí nghiệm chỉ được thực hiện tại phòng thí nghiệm của Công ty, không được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học Công nghệ công nhận là phòng hợp chuẩn. Hậu quả là, trong thời gian dự án vận hành, khai thác (đầu năm 2012 đến tháng 9/2015), tuyến ống nước sạch bị vỡ 14 lần, 18 ống bị phá hủy, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 177.000 hộ dân.
Ngày 15/4/2015, Bộ Xây dựng có kết quả giám định kết luận, ống composite không đảm bảo chất lượng, độ bền lâu của tuyến ống không đảm bảo 50 năm. Nguyên nhân chính là do chất lượng ống không đồng đều, không đạt chỉ tiêu độ cứng vòng, bề mặt ống bị xước và có khuyết tật đã tạo ra những điểm xung yếu.
Một số sai phạm của nhóm bị can thuộc nhà thầu Viwase cũng được vạch rõ. Đó là không kiểm soát chất lượng, chỉ kiểm tra ngoại quan ống, hồ sơ chứng nhận chất lượng do nhà thầu sản xuất cung cấp trước, không lấy mẫu vật liệu để thí nghiệm kiểm tra... vẫn cho lắp đặt, nghiệm thu.