Bị cáo Phạm Thanh Hải tại phiên xét xử sơ thẩm. Ảnh: Tiến Nguyễn |
Bản án nhận định, để có tiền sử dụng cá nhân, bị cáo Phạm Thanh Hải đã huy động vốn từ năm 2008. Hiện còn các hợp đồng chưa tất toán từ năm 2014 với tổng số tiền hơn 2.700 tỷ đồng. Để huy động số tiền lớn, bị cáo đưa ra các thông tin gian dối là IDT đang triển khai các dự án có lãi cao, Hải là Chủ tịch HĐQT có nhiều kinh nghiệm tài chính… Hải cũng đưa ra mức lãi suất tới 40 - 50%/năm, cắt lãi ngay khi nộp tiền, đồng thời khuyến khích mở rộng mạng lưới và chi từ 2 - 10% tiền thưởng kết nối môi giới cho mỗi hợp đồng.
Sau khi có tiền, Hải sử dụng chủ yếu cho mục đích cá nhân, trả tiền gốc và lãi cho các hợp đồng đến hạn, một phần cho các đối tác vay, chi trả cho việc kết nối, chi thưởng hoa hồng và chỉ sử dụng một phần nhỏ (157 tỷ đồng) góp vốn vào công ty khác với danh nghĩa cá nhân. Bị cáo Hải còn tự ý cho vay không lãi suất 114 tỷ đồng. Và có 133 tỷ đồng được đem gửi ngân hàng. Hiện bị cáo mất khả năng thanh toán.
Đáng chú ý, hiện còn 2.200 tỷ đồng không chứng minh được. Cơ quan điều tra chưa xác định được số tiền này đang ở đâu, gia đình Hải đang cầm giữ bao nhiêu, được sử dụng cho mục đích gì?
Tuy nhiên, căn cứ trên hồ sơ tài liệu chứng cứ và kết quả thẩm tra tại phiên tòa, HĐXX sơ thẩm cho rằng có đủ cơ sở kết luận Phạm Thanh Hải phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm lớn đến tài sản của nhiều cá nhân.
Trước đó, trong giai đoạn thẩm vấn, tranh tụng, nhiều cá nhân được Tòa án triệu tập với tư cách là bị hại thắc mắc, họ không có đơn tố cáo Phạm Thanh Hải, vì sao Tòa án vẫn triệu tập họ? Những người này cho rằng, họ không bị lừa đảo, việc họ góp vốn với Phạm Thanh Hải là quan hệ dân sự, họ cũng không tố cáo Hải.
Trong quá trình điều tra, có nhiều cá nhân không hợp tác với cơ quan điều tra, thậm chí có đơn đề nghị cho Phạm Thanh Hải được tại ngoại. Với những người này, cơ quan điều tra đã tách rút tài liệu, xử lý sau.
Tòa án nhận định, trong vụ án này có nhiều đối tượng tham gia tụ tập đông người, yêu cầu trả tự do cho bị cáo Hải. Họ là ai, người bị xâm phạm tài sản hay đang được hưởng lợi % kết nối theo kiểu đa cấp cần được cơ quan điều tra làm rõ để lập lại trật tự an ninh.
Về trách nhiệm dân sự, Tòa án buộc bị cáo Phạm Thanh Hải phải có trách nhiệm bồi thường cho các bị hại với tổng số tiền 387 tỷ đồng. Những người không có yêu cầu cơ quan pháp luật giải quyết quyền lợi sẽ không được Tòa án xem xét giải quyết bồi thường.
Về thu hồi tài sản, Tòa án yêu cầu thu hồi tài sản ở các ngân hàng dưới dạng tiền gửi hiện đang bị phong tỏa để khắc phục cho các bị hại. Số tiền Phạm Thanh Hải cho vay cần buộc đối tượng vay trả lại để thi hành án. Số tiền góp vốn ở các công ty dưới dạng trái phiếu, cổ phiếu cần được thu hồi có lộ trình để sao cho người được nhận bồi thường có lợi nhất...