Theo điều tra, doanh thu khủng hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm của Công ty TNHH Hồng Trang là giả tạo. Ảnh: Tường Lâm |
Yêu cầu ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
Theo cáo buộc, hai vợ chồng bị cáo Nguyễn Quốc Đạt và Nguyễn Thị Hồng Nhung đã có thủ đoạn gian dối, tạo doanh số ảo, sử dụng các hợp đồng mua bán thép giả tạo đưa vào hồ sơ vay vốn, hồ sơ bảo lãnh tại ngân hàng để chiếm đoạt.
Cụ thể, Công ty Lưỡng Thổ, thành lập năm 2008, do Nguyễn Thị Hồng Nhung làm Giám đốc và người đại diện theo pháp luật. Quá trình hoạt động, Công ty Lưỡng Thổ có ký hợp đồng mua bán thép với Công ty CP Thép Thái Nguyên - Chi nhánh Hà Nội vào tháng 1/2011.
Để thực hiện hợp đồng này, Nguyễn Thị Hồng Nhung đã ký giấy đề nghị một Phòng Giao dịch cấp thư bảo lãnh với số tiền 75 tỷ đồng. Thư bảo lãnh là bảo lãnh trả ngay, vô điều kiện, không hủy ngang khi bên thụ hưởng bảo lãnh có yêu cầu.
Theo quy định của Công ty Gang thép Thái Nguyên, trường hợp có bảo lãnh thì Công ty Lưỡng Thổ sẽ được phép trả chậm. Nếu hết hạn thanh toán mà Công ty Lưỡng Thổ không trả tiền hoặc trả không hết thì Công ty Gang thép Thái Nguyên có quyền yêu cầu ngân hàng bảo lãnh thanh toán.
Sau này, Công ty Lưỡng Thổ không thanh toán tiền mua hàng dẫn đến Công ty Gang thép Thái Nguyên yêu cầu Ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Khi Ngân hàng yêu cầu Công ty Lưỡng Thổ thanh toán khoản bảo lãnh thì Nguyễn Thị Hồng Nhung đưa ra 3 chứng từ gồm 3 hợp đồng khách hàng còn nợ tiền thép để xin Ngân hàng gia hạn bảo lãnh. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy các công ty mà Nhung nói là còn nợ tiền thép có công ty mới thành lập, chưa có hoạt động gì, có công ty không bán được thép và đã trả lại hàng.
Doanh thu khủng hàng nghìn tỷ là giả mạo
Tại một ngân hàng khác, hai vợ chồng bị cáo Đạt - Nhung sử dụng pháp nhân là Công ty TNHH Hồng Trang, được thành lập từ năm 2003 đề nghị Ngân hàng bảo lãnh cho giao dịch mua thép Tisco với Công ty Gang thép Thái Nguyên, số tiền bảo lãnh là 70 tỷ đồng.
Trong thời hạn của bảo lãnh, Công ty Gang thép Thái Nguyên đã có công văn đề nghị ngân hàng này thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Giữa Ngân hàng và Công ty Hồng Trang đã có trao đổi qua lại, phía Ngân hàng yêu cầu Công ty cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán, khả năng và thời hạn trả nợ cụ thể, cung cấp hồ sơ chứng từ mua bán hàng hóa...
Nghi ngờ Công ty Hồng Trang chiếm dụng vốn vay, Ngân hàng có đơn thư tố cáo tới cơ quan công an. Kết quả điều tra phát hiện, doanh thu khủng hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm của Công ty Hồng Trang hoàn toàn là giả tạo. Cơ quan điều tra xác định, Ngân hàng đã bị chiếm đoạt 69,67 tỷ đồng theo Thư bảo lãnh thanh toán và 30 tỷ đồng theo hợp đồng tín dụng.
Cuối năm 2016, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án nhưng sau đó đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung. Vào tháng 6/2017 vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội đã ban hành cáo trạng mới. Về cơ bản, hành vi chiếm đoạt tài sản bị truy tố của hai bị cáo Nguyễn Quốc Đạt, Nguyễn Thị Hồng Nhung không thay đổi.
Riêng đối với các cán bộ ngân hàng, doanh nghiệp, có 4 bị cáo là cán bộ Ngân hàng đã được đình chỉ bị can. Cụ thể, gồm Hoàng Kim Ngọc, Phạm Quang Vinh, Đỗ Văn Thường, Nguyễn Mạnh Hà.
Đối với Thư bảo lãnh thanh toán, do Ngân hàng chưa thực hiện thanh toán nên chưa có hậu quả. Do đó, 4 cá nhân nói trên đã được đình chỉ điều tra bị can.