Ảnh Internet |
Mới đây nhất, ngày 18/10, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và quyết định hủy án, điều tra lại từ đầu.
Hứa hẹn mua cổ phiếu để nhận 50 tỷ đồng
Vụ án xảy ra từ những năm 2006 - 2007, khi thị trường chứng khoán đang rất “nóng”. Khi đó, giá cổ phiếu sau khi niêm yết tăng vòn vọt, gấp nhiều lần so với mức giá khi mua đấu giá. Thậm chí, chưa lên sàn, vừa đấu giá xong, giá cổ phiếu đã tăng. Việc mua được cổ phần ưu đãi (thường dành cho người lao động với giá thấp hơn mức đấu giá thành công) được xem là cơ hội đầu tư tốt, gần như chắc chắn thu lợi nhuận lớn. Bởi vậy, nhiều người săn lùng mua các cổ phiếu ưu đãi khi người lao động không có đủ tiền mua các cơ hội.
Theo cáo buộc, chính trong giai đoạn này, Đoàn Vũ Thanh Nghĩa (sinh năm 1969, trú tại Phố Huế, Hai Bà Trưng) đã nói với nhiều người có thể mua giúp họ cổ phiếu ưu đãi của các doanh nghiệp đang cổ phần hóa, những cổ phiếu này chưa niêm yết, chắc chắn sẽ có lãi từ 5 - 10%. Nhưng việc mua bán cổ phiếu của công ty nào, thời gian, giá cả, số lượng bao nhiêu phải do Nghĩa mua và đứng tên. Thời gian mua bán mỗi đợt từ 3 - 10 ngày. Trước khi mua bán, Nghĩa báo cho người mua biết thời gian và số tiền nộp, người mua không trực tiếp đứng tên, mà chuyển tiền cho Nghĩa để mua cổ phiếu. Phương thức đưa tiền là trực tiếp trao tay và chuyển khoản. Thời gian đầu, Nghĩa trả đủ lãi và gốc. Khi nhận tiền, Nghĩa không mua cổ phiếu như đã nói, mà dùng tiền của người sau trả lãi cho người trước, hoặc chỉ thông báo lãi và gốc. Có 5 cá nhân đã giao cho Nghĩa tổng cộng gần 50 tỷ đồng để mua cổ phiếu OTC.
Mâu thuẫn giữa lời khai của bị cáo và các bị hại
Tại cơ quan điều tra, Đoàn Vũ Thanh Nghĩa khai rằng đã ra các sàn giao dịch ở phố Trần Bình Trọng, Sàn chứng khoán Hướng Việt (số 8, Thiền Quang) và Sàn chứng khoán Hà Nội (số 2 Phan Chu Trinh) để mua bán cổ phiếu của các công ty Bảo Việt, Tài chính Dầu khí… (thời điểm đó, các công ty này chưa niêm yết). Tuy nhiên, Nghĩa không cung cấp được hóa đơn chứng từ cũng như nhân thân, lai lịch của người mua, người bán. Chứng cứ duy nhất chỉ có giao dịch mua 2.000 cổ phiếu (trị giá 20 triệu đồng) của Tập đoàn Bảo Việt là có giấy tờ và có thật.
Đáng chú ý, trong vụ án này, giao dịch giữa Nghĩa và các bị hại không được lập thành văn bản, chỉ có thỏa thuận miệng và sau đó chuyển tiền qua tài khoản hoặc đưa trực tiếp. Một số khoản tiền được trao tay mà không có giấy biên nhận, một số lần chuyển khoản cũng không ghi rõ nội dung chuyển tiền. Chứng cứ thu thập được là các sổ viết tay, giấy cam kết. Những sổ viết tay này không ghi rõ đưa tiền cho Nghĩa để làm gì. Thậm chí, một bị hại có giữ sổ biên nhận, trong đó Nghĩa ghi xác nhận các lần đưa tiền. Tuy nhiên, quyển sổ trên không ghi ngày, tháng rõ ràng, có những chữ viết tắt dễ tạo ra nhiều cách hiểu. Một giấy biên nhận Nghĩa viết với nội dung nợ của một bị hại 30 tỷ đồng không có bản gốc...
Chính vì những điểm này dẫn đến khó khăn trong việc làm rõ các mâu thuẫn giữa lời khai của bị cáo và các bị hại. Trong khi các bị hại khẳng định tiền họ chuyển cho Nghĩa để mua cổ phiếu OTC thì Đoàn Vũ Thanh Nghĩa cho rằng, không nhận mua cổ phiếu cho ai, đó là tiền họ trả nợ cho bị cáo, khi cho vay, bị cáo tin tưởng họ nên không viết giấy biên nhận.
Qua nhiều năm, vụ án đưa ra xét xử nhiều lần, đã hoãn tòa, trả hồ sơ, điều tra bổ sung rồi hủy án điều tra lại từ đầu. Và qua những lần xét xử, số tiền thiệt hại liên tục thay đổi: 49 tỷ đồng, 46 tỷ đồng, 46,8 tỷ đồng.
Tại phiên tòa lần này, Hội đồng xét xử cho rằng, còn nhiều điểm cần làm rõ như điều tra lại việc giao nhận tiền, chữ viết con số trong sổ của bị hại, đối chất giữa nạn nhân và bị cáo, làm rõ các khoản tiền... Do đó, Hội đồng xét xử đã tuyên hủy án sơ thẩm, điều tra lại.