Vũ “nhôm” kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm

Vũ “nhôm” kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm mà TAND TPHCM tuyên phạt vào ngày 20/12/2018, cho rằng cấp sơ thẩm chưa xem xét đánh giá toàn diện khách quan các chứng cứ của vụ án.
Vũ "nhôm" tiếp tục kêu oan.
Vũ "nhôm" tiếp tục kêu oan.

Ngày 3/1, thông tin từ TAND TPHCM cho biết, cơ quan này đã nhận được đơn kháng cáo của bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”). Theo đó, Vũ “nhôm” kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm liên quan tới tội danh và trách nhiệm dân sự.

Trong đơn kháng cáo, bị cáo Phan Văn Anh Vũ cho rằng cấp sơ thẩm chưa đánh giá toàn diện khách quan các chứng cứ của vụ án. Tại tòa, Trần Phương Bình xác nhận che giấu Vũ tình trạng của DongABank, nếu nói thật thì Vũ không đầu tư vào DongABank. Kết luận của cơ quan điều tra và chứng cứ tại tòa khác nhau, vì vậy không có căn cứ buộc tội bị cáo Phan Văn Anh Vũ.

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ cho rằng mình không bàn bạc, thống nhất với bị cáo Nguyễn Đức Vinh (nguyên trưởng phòng Ngân quỹ của DongABank) để rút số tiền này cho công ty Xây dựng Bắc Nam 79 vay. Bị cáo Vũ cũng khẳng định không bàn bạc với bị cáo Bình, bị cáo Vinh, bị cáo Nguyễn Văn Thuận (nguyên phó giám đốc DongABank), bị cáo Hùng (nguyên thủ quỹ DongABank) để câu kết, lập các chứng từ khống thông đồng và rút tiền của DongABank.

Bị cáo Vũ cũng cho rằng hoàn toàn không được ăn chia, hưởng lợi, nhận phần trăm, hưởng vật chất gì trong việc công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 vay mượn 200 tỉ đồng này của cá nhân ông Bình.

Việc bàn bạc, chỉ đạo đường đi số tiền này là do ông Bình chỉ đạo bằng nghiệp vụ giữa ông Bình, ông Vinh, ông Thuận, ông Hùng với nhau, Vũ "nhôm" không được tham gia và chuyện này không liên quan đến công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79.

Từ đó, bị cáo Phan Văn Anh Vũ cho rằng không thể buộc tội bị cáo lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Đồng thời bị cáo Phan Văn Anh Vũ cũng khẳng định mình không có phạm tội.

Trước đó, Vũ “nhôm” bị TAND TPHCM tuyên phạt 17 năm tù về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Buộc bị cáo Phan Văn Anh Vũ phải bồi thường hơn 200 tỉ đồng cho DongABank.

Theo bản án sơ thẩm, năm 2013, DongABank bị thua lỗ kéo dài, thiếu hụt số lượng lớn tiền, vàng trong kho quỹ, Trần Phương Bình có chủ trương tăng vốn điều lệ DongABank từ 5.000 tỉ đồng lên 6.000 tỉ đồng để thu hút vốn đầu tư, mong muốn doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, quan hệ đầu tư vào DongABank để có tiền xử lý khó khăn tại DongABank và để nâng cao thương hiệu, vị thế của DongABank.

Do quen biết nhau từ trước nên Trần Phương Bình và Phan Văn Anh Vũ bàn bạc và thống nhất rằng Vũ "nhôm" mua 60 triệu cổ phần DongABank với giá 600 tỉ đồng khi DongABank tăng vốn điều lệ, mục đích để Phan Văn Anh Vũ trở thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại DongABank.

Vũ "nhôm" cho rằng cấp sơ thẩm chưa xem xét toàn bộ nội dung vụ án.

Nguồn tiền mua cổ phần DAB, Phan Văn Anh Vũ thế chấp 220 lô đất tại TP Đà Nẵng vay 400 tỉ đồng của DongABank. Đối với 200 tỉ đồng còn lại, ông Bình chỉ đạo nhân viên DongABank xuất quỹ cho Vũ và Vũ ký khống chứng từ nộp 200 tỉ đồng vào DongABank để Vũ tham gia mua cổ phần của DongABank.

Tuy nhiên, việc tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỉ đồng không thành công nên ngày 8/4/2014, Trần Phương Bình chỉ đạo cho nhân viên DongABank chuyển trả 600 tỉ đồng và 9,5 tỉ đồng tiền lãi của 600 tỉ đồng vào tài khoản của công ty Bắc Nam 79 tại DongABank chi nhánh Đà Nẵng.

Như vậy, Vũ “nhôm” chỉ nộp 400 tỉ đồng nhưng nhận 600 tỉ đồng và 9,5 tỉ đồng tiền lãi, tức là đã chiếm đoạt của DongABank 200 tỉ đồng gốc do ký chứng từ nộp khống và 3 tỉ đồng tiền lãi của số tiền này.

Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, Vũ “nhôm” một mực kêu oan cho rằng quan hệ giữa bị cáo và Trần Phương Bình là quan hệ giao dịch dân sự. Bị cáo không biết nguồn gốc số tiền 200 tỉ đồng.

Tin cùng chuyên mục