Ngày 29/12/2012, Xuyến chỉ đạo Từ Thị Mỹ Linh (nguyên giám đốc phòng giao dịch Hàm Nghi chi nhánh quận 1) lập chứng từ để mẹ Xuyến rút 20 tỉ đồng tại phòng giao dịch Hàm Nghi. Cùng ngày, Xuyến chỉ đạo Nguyễn Văn Thuận làm thủ tục để Cao Ngọc Huy chuyển 20 tỉ đồng vào tài khoản của Đỗ Thị Minh Giang (người giúp việc của Xuyến) mở tại phòng giao dịch Hàm Nghi.
Ngày 16/4/2015, Xuyến chỉ đạo Linh làm thủ tục chuyển sổ tiết kiệm với số tiền 20,3 tỉ đồng đứng tên mẹ Linh sang tên cho người tên Trần Văn Lâm để trả nợ 20 tỉ đồng mà chồng Xuyến đã vay của Trần Văn Lâm. Như vậy toàn bộ số tiền 40 tỉ đồng trên Xuyến đã sử dụng vào mục đích cá nhân.
Trần Phương Bình “ưu ái” cho nguyên cán bộ Công an TPHCM vay 2.000 lượng vàng
16h, Theo cáo trạng, do Trần Phương Bình và Nguyễn Hồng Ánh (nguyên là đội trưởng 1 đội nghiệp vụ thuộc Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an TPHCM), có quan hệ từ trước nên Bình và Ánh thống nhất vay vàng để được hưởng lãi suất thấp hơn vay tiền. Tháng 1/2008, Ánh đề nghị vay 2.000 lượng vàng để góp vốn hợp tác kinh doanh. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là căn nhà và quyền sử dụng 339 m2 ở quận Phú Nhuận, quyền sử dụng 326 m2 đất ở phường Thảo Điền, quận 2 cùng 3.000 cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Gia Định.
Bị cáo Nguyễn Hồng Ánh - nguyên cán bộ Công an TPHCM.
Ngày 21/1/2009, bị cáo Ánh trả nợ gốc là 2.000 lượng vàng cho DongABank. Nhưng thực chất, 2 bên chỉ làm thủ tục tất toán trên giấy tờ, đảo nợ thành khoản vay mới 2.000 lượng vàng tại DongABank vào ngày 24/1/2009.
Đến 26/1/2010, Ánh chỉ trả được 100 lượng vàng nên trong cùng ngày, DongABank tiếp tục làm thủ tục tất toán trên giấy, đảo nợ cho Ánh thành khoản vay mới là 1.900 lượng vàng, từ ngày 28/1/2010.
Bị cáo Bình và bị cáo Ánh đã bàn bạc, thống nhất để Ánh nộp 32 tỉ đồng, là tiền tiết kiệm của Ánh tại DongABank, còn Bình sẽ tiếp tục chỉ đạo tất toán khoản vay 1.900 lượng vàng của Ánh.
Ngày 29/2/2012, cấp dưới của Bình đã làm phiếu thu khống 1.900 lượng vàng của Ánh để trả nợ gốc cho khoản vay ngày 28/1/2010. Cùng ngày, Hội sở Dong A Bank lập phiếu thu tiếp nhận điều chuyển khống 1.900 lượng vàng về hội sở, chịu âm quỹ số vàng này.
Vũ "nhôm" và Trần Phương Bình “bắt tay” rút tiền của ngân hàng
15h15, Cáo trạng xác định, năm 2013, Trần Phương Bình có chủ trương tăng vốn điều lệ của ngân hàng Đông Á từ 5.000 tỉ đồng lên 6.000 tỉ đồng vào năm 2014 để thu hút vốn đầu tư và trang trải, xử lý khó khăn; đồng thời, nâng thương hiệu và vị thế, ảnh hưởng của ngân hàng Đông Á.
Bị cáo Trần Phương Bình bị cáo buộc bắt tay Vũ nhôm rút ruột ngân hàng
Nguồn tiền để Vũ mua cổ phần của ngân hàng Đông Á là Vũ thế chấp lô đất rộng 220 ha tại TP Đà Nẵng để vay 400 tỉ của ngân hàng Đông Á. Còn 200 tỉ, Vũ “nhôm” chỉ ký khống chứng từ nộp tiền và ngân hàng Đông Á đã xuất quỹ chi 200 tỉ đồng cho Vũ “nhôm” để mua cổ phần.
Sau đó, từ 400 tỉ đồng vay của ngân hàng Đông Á và 200 tỉ đồng được ngân hàng Đông Á xuất quỹ khống trên, Vũ "nhôm" được coi là đã bỏ ra 600 tỉ đồng để mua 60 triệu cổ phần của ngân hàng Đông Á.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ bị cáo buộc gây thiệt hại cho Ngân hàng Đông Á 200 tỉ đồng
Sau khi được ngân hàng Đông Á trả lại tiền, ông Vũ đã dùng 500 tỉ đồng để mua lại 50 triệu cổ phần của 4 cổ đông khác của ngân hàng Đông Á, còn 100 tỉ Vũ tiêu xài hết, đến nay ngân hàng Đông Á không thu hồi được.
Tại cơ quan điều tra, Vũ "nhôm" thừa nhận nguồn tiền 600 tỉ đồng mua cổ phần ngân hàng Đông Á là từ 400 tỉ đồng vay của chính ngân hàng này và 200 tỉ đồng ký khống. Sau đó việc mua không thành, Vũ “nhôm” đã sử dụng 500 tỉ đồng mua cổ phần của cổ đông khác, còn 100 tỉ đồng Vũ “nhôm” nghĩ đương nhiên là tiền của Vũ.
Tuy nhiên, sau đó Vũ “nhôm” thay đổi lời khai, không thừa nhận có bàn bạc hợp tác đầu tư với ông Bình để mua cổ phần ngân hàng Đông Á.
Vũ “nhôm” khai mua cổ phần ngân hàng Đông Á cho Bình, Vũ ký khống chứng từ và mua 500 tỉ đồng tiền cổ phần là do chỉ đạo của Bình.
Cơ quan điều tra cho rằng hành vi của Phan Văn Anh Vũ đã gây thiệt hại cho ngân hàng Đông Á 200 tỉ đồng, hành vi này có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm của Trần Phương Bình. Vũ “nhôm” phải có trách nhiệm hoàn trả 200 tỉ đồng cho ngân hàng Đông Á.
Bị cáo Trần Phương Bình dùng tiền ngân hàng mua cổ phần cho mình
14h40, Theo cáo trạng, để có tiền mua cổ phần của ngân hàng Đông Á vào năm 2007, Trần Phương Bình đã chỉ đạo cho Nguyễn Đức Vinh (nguyên trưởng phòng ngân quỹ, thủ quỹ ngân hàng Đông Á) lập chứng từ thu khống hơn 374 tỉ đồng. Số tiền này, bị cáo Bình dùng để mua hơn 5 triệu cổ phần của ngân hàng Đông Á đứng tên mình và những người thân trong gia đình.
Bị cáo Trần Phương Bình tại phiên xử chiều nay
Cơ quan điều tra cũng xác định bị cáo Bình đã chỉ đạo xuất quỹ sai nguyên tắc số tiền 234 tỉ đồng để mua 5,7 triệu cổ phần ngân hàng Đông Á của công ty Quỹ Lộc Việt.
Theo kết luận điều tra, trong năm 2007, Trần Phương Bình nhờ Quỹ Lộc Việt mua giúp 5 triệu cổ phần của ngân hàng Đông Á và cam kết sẽ mua lại chỗ cổ phần này với giá 300 tỉ. Năm 2008, bị cáo đã mua cả 5 triệu cổ phần trên với số tiền hơn 327 tỉ.
Sau đó, bị cáo Bình tiếp tục chỉ đạo Nguyễn Văn Thuận (phó giám đốc ngân hàng Đông Á sở giao dịch) lập chứng từ thu khống 95 tỉ đồng, rồi thủ quỹ của ngân hàng Đông Á tiếp nhận số tiền khống đó để trả 95 tỉ đồng cho công ty Ninh Thịnh.
Luật sư bào chữa cho Vũ "nhôm" tung chứng cứ mới nhưng không được HĐXX chấp nhận
Công ty của Vũ “nhôm” có 12,7% cổ phần của ngân hàng Đông Á
14h30, Đại diện Viện KSND TPHCM Nguyễn Quỳnh Lan bắt đầu công bố cáo trạng.
Đại diện Viện kiếm sát công bố cáo trạng
Trong quá trình quản lý về tổ chức và hoạt động đối với DongABank, ngân hàng Nhà nước phát hiện có sai phạm nên đã tiến hành thanh tra hoạt động của DongABank. Ngày 23/7/2015, cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng Nhà nước có Kết luận thanh tra số 20 xác định một số sai phạm xảy ra tại ngân hàng Đông Á: Tổng số dư nợ tại DongABank là 20.233 tỉ đồng, trong đó 123 khách hàng có dư nợ 19.644 tỉ đồng, tập trung chủ yếu vào 09 nhóm khách hàng và cá nhân liên quan với tổng dư nợ là 19.414 tỉ đồng; trong số này có 7.960 tỉ đồng là nợ khó thu hồi và hơn 5.600 tỉđồng là nợ không có khả năng thu hồi.
HĐXX không chấp nhận chứng cứ mới của luật sư
Ngay đầu giờ chiều, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch nộp cho HĐXX những giấy tờ liên quan chứng minh bị cáo Vũ “nhôm” có quốc tịch Antigua and Barbuda (là thành viên trong Khối Liên hiệp Anh). Tuy nhiên, theo HĐXX, các chứng cứ luật sư Trạch nộp thì không có bản tiếng Việt, lại không có bản gốc, chưa được chứng thực nên HĐXX không chấp nhận chứng cứ mới của luật sư Trạch cung cấp.
Trước đó, sáng nay, ngay trong phần xét lý lịch, bị cáo Phan Văn Anh Vũ nói: “Làm oan bị cáo quá!". Đồng thời, Vũ “nhôm” khai ngoài tên Phan Văn Anh Vũ, bị cáo còn có 2 tên khác là Phan Văn Sáu và Trần Đại Vũ.
“Bị cáo có 2 quốc tịch, một quốc tịch Việt Nam và một quốc tịch nước ngoài”, bị cáo Vũ nói. Theo lời khai của bị cáo Vũ tại tòa, ngoài quốc tịch Việt Nam, bị cáo còn có quốc tịch Antigua and Barbuda (một quốc đảo ở phía đông biển Caribe, gồm 2 đảo chính là Antigua và Barbuda. Quốc đảo nằm giữa quần đảo Leeward, gần với Trinidad và Tobago, Montserrat và Anguilla).
Luật sư Trạch cung cấp chứng cứ mới.
Sau khi kiểm tra căn cứ, chủ tọa phiên tòa Phạm Lương Toản cũng thông báo Phan Văn Anh Vũ tham dự phiên tòa hôm nay với 2 tư cách là bị cáo và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Vũ “nhôm” đã phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, với vai trò đồng phạm giúp sức tích cực cho Trần Phương Bình chiếm đoạt của DongAbank 203 tỉ đồng. Vì vậy Vũ “nhôm” phải bồi thường toàn bộ số tiền này. Ngoài ra Vũ “nhôm” còn phải có trách nhiệm nộp lại số tiền 13,4 triệu USD và 90,5 tỉ đồng mua cổ phần của DongAbank.
Vũ "nhôm" khai có 2 quốc tịch 3 tên và 6 người con.
Quá trình điều tra, công an xác định 5 bất động sản ở Đà Nẵng, cùng 2 bất động sản ở TPHCM, trong đó có bất động sản tại số 8 Nguyễn Trung Trực (quận 1, TPHCM) là vật chứng của vụ án, đã được kê biên, phong tỏa trong vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ do Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an thụ lý điều tra.