Một phần nguyên nhân khiến cầu Ô Rô bị sập là do cây cầu này nằm ngay cạnh khu vực ngã ba, nước chảy rất siết. Ảnh: Gia An |
Phía hai bờ sông sạt lở ngày càng rộng
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu liên quan đến hướng khắc phục và giải quyết vụ cầu Ô Rô ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau bị sập rạng sáng ngày 6/8/2016 vừa qua, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, hiện Tỉnh vẫn chưa đưa ra giải pháp cuối cùng, nhưng khả năng rất cao là sẽ phá bỏ phần còn lại của cầu Ô Rô và không tiếp tục xây dựng lại một cây cầu tương tự ở đây nữa.
Lý do mà UBND tỉnh Cà Mau đang ưu tiên cho giải pháp trên là vì suốt thời gian qua, tình hình sạt lở ở phía hai bờ của con kênh Ô Rô nơi cầu Ô Rô bắc qua ngày càng trầm trọng. “Hôm rồi, khi Tỉnh cử các đoàn chuyên môn đi kiểm tra thực địa cho thấy, trước đây khi chưa xây dựng cầu Ô Rô, lòng kênh chỉ có 60m, nhưng nay đã lở ra thêm hơn 20m nữa, tổng cộng bề ngang của con kênh này giờ hơn 85m. Chưa kể, chiều sâu của con kênh ngày xưa chỉ 6m, nhưng nay đã là 12,5m” - ông Hải thông tin.
Mặc dù chưa có kết luận cuối cùng về sự cố sập cầu Ô Rô, nhưng theo ông Hải, do cầu Ô Rô nằm ngay cạnh ngã ba, nước chảy rất siết, trong khi đó những yếu tố liên qua đến biến đổi khí hậu, tác động môi trường luôn diễn ra thường xuyên và quá mạnh cũng có thể là một trong những nguyên nhân chính khiến cho cây cầu này không “trụ” lại nổi.
Cầu Ô Rô thuộc Dự án Xây dựng đường ô tô đến trung tâm xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Nguồn vốn thực hiện dự án này từ trái phiếu chính phủ, do UBND huyện Ngọc Hiển làm chủ đầu tư, bên mời thầu là Ban Quản lý dự án xây dựng huyện Ngọc Hiển. Được khởi công xây dựng năm 2013 và mới thông xe kỹ thuật đầu năm 2016, dù chưa kịp nghiệm thu nhưng đến tháng 8 vừa qua đã bị xảy ra sự cố ngoài mong đợi như đã nêu.
Làm đường nối với đường Hồ Chí Minh
Trả lời thắc mắc của phóng viên, vì sao trước đây lại chọn giải pháp xây cầu Ô Rô để bắc qua kênh Ô Rô, nhưng nay lại nghiêng về giải pháp làm đường nối với đường Hồ Chí Minh, ông Hải cho hay, trước khi triển khai xây dựng công trình cầu Ô Rô thì chưa có đường Hồ Chí Minh cũng như các cây cầu khác ở trên tuyến đường này. Nay đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, Tỉnh sẽ tìm giải pháp khác cho phù hợp và an toàn.
“Chúng tôi chưa chốt phương án cuối cùng, nhưng gần như chắc chắn sẽ làm tuyến đường nối với đường Hồ Chí Minh. Vốn làm con đường này sẽ do Công ty TNHH Tập đoàn thương mại xây dựng Sử Thành Phú bỏ ra khắc phục vì công trình cầu Ô Rô chưa được nghiệm thu. Là một nhà thầu lớn và uy tín ở Cà Mau và các tỉnh miền Tây, phía Sử Thành Phú cũng không nề hà gì vấn đề này” - ông Hải nhấn mạnh.
Cũng cần nói thêm, nằm trong Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, dự án thành phần đoạn Năm Căn - Đất Mũi có tổng chiều dài khoảng 59km, được khởi công từ tháng 5/2009, vừa mới thông xe vào ngày 16/1/2016. Sau khi cầu Ô Rô bị sập, người dân ở đây muốn vào đường Hồ Chí Minh phải đi theo con đường bê tông cũ đã xuống cấp, cách vị trí cầu sập hơn 3km. Do vậy, việc mở rộng và nâng cấp đường bê tông nói trên đấu nối vào đường Hồ Chí Minh đang được người dân địa phương đồng thuận và chờ đợi.
Ông Sử Thành Phú, Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn thương mại xây dựng Sử Thành Phú cho biết, Công ty sẵn sàng bỏ tiền túi ra để làm con đường nối đó nhằm tạo điều kiện sớm nhất và an toàn nhất cho người dân đi lại. Riêng “số phận” của nửa cây cầu còn lại, ông Hải cho rằng, Tỉnh sẽ nghiên cứu tháo dỡ, bởi để vậy vừa phản cảm vừa có thể gây ra rủi ro vì biết đâu khi mưa to gió lớn cầu lại tiếp tục sập vì sạt lở. Hiện Tỉnh đang cho rào, cắm tiêu mốc, biển báo để cho dân không vào khu vực này.