Vững tin bứt phá trong kỷ nguyên mới

(BĐT) - 2025 là năm tăng tốc, bứt phá về đích để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, xây dựng bệ phóng cho kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc. Trước thềm Xuân Ất Tỵ, nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện tổ chức, doanh nghiệp đánh giá cao các giải pháp điều hành của Chính phủ và đặt niềm tin vào triển vọng kinh tế năm 2025.

Dệt may Việt Nam có lợi thế trong xu hướng tiêu dùng của thế giới

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam

Dệt may hiện là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của quốc gia với kim ngạch xuất khẩu năm 2024 khoảng 44 tỷ USD, đứng thứ 2 thế giới về quy mô sản xuất và đã duy trì vị trí này trong suốt 6 năm qua.

Khi đánh giá một quốc gia xuất khẩu dệt may, có 8 tiêu chí chính cần phải xem xét, bao gồm: tốc độ ra thị trường, độ linh hoạt trong sản xuất, chất lượng sản phẩm, đơn giá, rủi ro về lao động, trách nhiệm xã hội, khả năng tích hợp dọc theo chuỗi cung ứng và rủi ro môi trường, địa chính trị. Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ có tổng điểm cả 8 tiêu chí bằng nhau, thuộc loại cao nhất của thế giới. Tuy nhiên, điểm mạnh cũng là điểm yếu, Việt Nam cả 8 chỉ tiêu đều đạt trên 3, tức từ khá trở lên, nhưng không có chỉ tiêu nào đạt trên 4, tức là mức tốt trở lên. Chúng ta rất đều, nhưng không có điểm mũi nhọn. Vì thế, điểm mạnh đột phá như tích hợp dọc theo chuỗi cung ứng, đơn giá vẫn còn thua Trung Quốc. Trong trung và dài hạn, hàng hóa cạnh tranh chính yếu vẫn là Trung Quốc và cả Bangladesh, Ấn Độ, nhất là cạnh tranh về giá.

Trong những năm gần đây, sản xuất xanh và tuần hoàn được nhắc đến rất nhiều, nhưng đó là một hướng đi trong tương lai, dài hạn. Thực tế mấy năm trở lại đây, sản lượng tăng lên của sản phẩm xanh không nhiều, thậm chí năm 2024, sản lượng tiêu thụ các mặt hàng may mặc xanh và sản phẩm từ nguyên liệu tái chế còn thấp hơn các năm trước. Thế giới đang có xu hướng là trước khi nói đến tái chế, thì giảm sử dụng, tái sử dụng giữa người giàu và người nghèo để giảm lượng rác thải, tiêu thụ.

Xu thế thị trường là giảm số lượng sử dụng, nhưng yêu cầu chất lượng và giá trị lại cao lên, có lợi cho những nước không tăng được lao động theo chiều rộng khi đã gần qua giai đoạn dân số vàng như chúng ta. Đồng thời Việt Nam rất mạnh về sản xuất hàng khó, chất lượng cao, là xu thế của giai đoạn giảm số lượng. Trong 5 năm tới, theo tôi, cần tập trung tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, tạo giá trị gia tăng lớn hơn.

Ngành dệt may hiện nay đã tích hợp năng lượng xanh, thiết kế xanh, sản xuất xanh, chuyển đổi số cho kinh doanh online toàn cầu. Tôi cho rằng, trong giai đoạn vươn mình, ngành dệt may vẫn có dư địa phát triển, đóng góp cho tăng trưởng và cũng là ngành có thể tận dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, sạch và chuyển đổi số, chứ không phải ngành thâm dụng lao động theo cách thông thường của 30 năm trước.

Kinh tế hứa hẹn tăng trưởng nhanh và bền vững

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Kinh tế Việt Nam kể từ sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là giai đoạn thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng 2022 - 2023, đến nay đã khởi sắc hơn rất nhiều. Một loạt chủ trương, chính sách mới được Đảng, Nhà nước ban hành thời gian qua như tinh gọn bộ máy, chống tiêu cực, lãng phí, thông qua Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn; sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)… là động lực thúc đẩy nền kinh tế tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong năm 2025, tạo nền tảng cho sự tăng trưởng theo hướng nhanh và bền vững trong thời kỳ tới.

Tuy nhiên, trong bức tranh chung ấy, có những lĩnh vực dù đã thoát ra khỏi “vùng tối” rủi ro, nhưng vẫn chưa hết khó khăn, mà bất động sản là một minh chứng. Lý do là, sau 2 năm được gia hạn theo Nghị định 08/2023/NĐ-CP, từ khoảng tháng 8 đến cuối năm 2025 là thời điểm tập trung đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với tổng giá trị lên đến khoảng 180.000 tỷ đồng, cao nhất trong 3 năm 2023 - 2025. Ngoài ra, quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng và triển khai thực hiện dự án bất động sản, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội còn phải qua nhiều khâu, nhiều công đoạn nên mất nhiều thời gian, khiến số dự án đưa ra thị trường hạn chế. Đó là chưa kể, cần có thời gian để cho các luật, văn bản dưới luật mới được ban hành đi vào cuộc sống.

Tôi cho rằng, Chính phủ và Bộ Tài chính cần quan tâm sát sao trong giai đoạn quý II và quý III năm 2025 - thời điểm tập trung đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ sau 2 năm được gia hạn - để bảo đảm an toàn cho thị trường tài chính và hỗ trợ cho doanh nghiệp đang còn khó khăn nhưng có triển vọng phục hồi. Đặc biệt, cần xây dựng “Bảng giá đất lần đầu” theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và phù hợp với thực tiễn của địa phương để áp dụng kể từ ngày 1/1/2026.

Lĩnh vực bất động sản có sức ảnh hưởng rất lớn đối với nền kinh tế của Việt Nam, nên thị trường bất động sản tốt lên sẽ giúp cho sự chống chịu của nền kinh tế mạnh mẽ hơn. Hy vọng, từ quý IV/2025 trở đi, nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng sẽ bước sang trang mới.

Hệ thống hạ tầng sẽ có bước phát triển đột phá

Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành

Hiện nay, Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành đang rất quyết liệt tập trung giải quyết 3 đột phá chiến lược, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình để phát triển. Bên cạnh phát triển hạ tầng, Đảng và Nhà nước đang tập trung tạo đột phá về thể chế, về tổ chức nhằm giảm chi thường xuyên để tiết kiệm nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng. Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước có xu hướng tăng mạnh, cộng với tiết kiệm chi thường xuyên thì nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng thời gian tới là rất lớn. Chúng tôi và cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng những đồng vốn đóng góp của người dân sẽ được tối ưu hóa vào kiến thiết hạ tầng, mở đường cho đất nước phát triển. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc điểm nghẽn về phát triển hạ tầng sẽ sớm được giải quyết, tạo đột phá mang tính chiến lược, là nguồn năng lượng “xung kích” để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Trong năm 2025, chúng tôi sẽ tiếp tục dồn lực hoàn thành các gói thầu đang thi công bảo đảm về chất lượng, tiến độ và mỹ quan. Đồng thời, với nhiều cơ hội công việc đang mở ra trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, nhà thầu sẽ tiếp tục đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại và nâng cao năng lực quản trị, nguồn nhân lực để tham gia vào những dự án mới như sân bay, đường sắt tốc độ cao nhằm nâng tầm doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu cùng nỗ lực vươn mình.

Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp lớn mạnh

TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Thời gian qua các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhưng thực tế nhiều thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, phức tạp, thiếu rõ ràng. Điều này tạo rào cản, gây chi phí tuân thủ lớn đối với doanh nghiệp.

Có thể nói điểm nghẽn lớn nhất đối với môi trường kinh doanh hiện nay vẫn là thể chế chính sách và thực thi. Tiếp đến là nhiều vấn đề vướng mắc mang tính liên ngành, nhưng thiếu cơ chế phối hợp để giải quyết. Với những vấn đề pháp lý chưa rõ ràng hoặc có cách hiểu khác nhau, việc giải đáp thường không thỏa đáng, do đó không giúp cơ quan thực thi hay doanh nghiệp có hướng thực hiện. Ngoài ra, việc tham vấn chính sách còn hình thức; nhiều cơ quan soạn thảo chưa thực sự cầu thị, thiếu giải trình minh bạch với các minh chứng khoa học về việc tiếp thu các ý kiến góp ý.

Điều trăn trở nhất, nút thắt khó nhất khi triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh là cơ chế nào để kiểm soát sự quay trở lại hoặc phát sinh thêm các rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh; làm thế nào để tạo sự vào cuộc đồng bộ và duy trì tinh thần cải cách được thường xuyên, liên tục?

Trong vai trò cơ quan tham mưu, giữ lửa cải cách, một trong những mong muốn của chúng tôi là thu gọn đầu mối quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Hy vọng rằng, với việc thực hiện tinh gọn bộ máy, những nút thắt về quản lý tầng nấc, chồng chéo trong một số lĩnh vực sẽ được tháo gỡ, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Mùa Tết 2025 sẽ tạo đà phát triển mới cho ngành hàng tiêu dùng - bán lẻ

Ông Kim Lê Huy, Tổng giám đốc DKSH Việt Nam

Quan sát thị trường trong những tháng gần đây, có thể thấy kinh tế Việt Nam đang khởi sắc hơn. Đặc biệt, ngành bán lẻ bắt đầu có chuyển dịch tích cực. Doanh nghiệp đang trông chờ mùa Tết sẽ tạo đà phát triển mới, mạnh mẽ hơn, nhờ nhu cầu mua sắm tiêu dùng gia tăng. Khách du lịch cũng quay trở lại Việt Nam với số lượng ổn định và có xu hướng gia tăng, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh bán lẻ - dịch vụ tiêu dùng.

DKSH có bề dày lịch sử 160 năm hoạt động trên 36 quốc gia. Trong đó, DKSH Việt Nam hoạt động trong 4 ngành hàng chính: hàng tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, nguyên liệu hóa chất và kỹ thuật công nghệ. Công ty hiện sở hữu mạng lưới hoạt động rộng khắp 63 tỉnh thành với 21 địa điểm kinh doanh, được vận hành bởi hơn 4.000 nhân viên.

Chúng tôi cam kết tiếp tục xây dựng các mối quan hệ kinh doanh lâu dài ở Việt Nam. Tại DSKH, chúng tôi mang đến tiêu chuẩn quốc tế trong dịch vụ ở tất cả các ngành hàng, đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam. Đồng thời, với hơn 29.000 chuyên gia, DKSH còn hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, tìm kiếm nguồn hàng, phân tích thị trường, tiếp thị và bán hàng, eCommerce, phân phối và hậu cần, cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng sau bán hàng.

Kỳ vọng hoạt động sản xuất, kinh doanh bứt phá

Ông Nguyễn Tấn Vũ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam

Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước phục hồi, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung phục hồi mạnh mẽ, trong đó có Thiên Nam với tăng trưởng hai con số (ước tăng 12%) so với năm 2023.

Đầu năm 2024, thị trường bất động sản cũng như xây dựng trầm lắng, hầu hết doanh nghiệp đều giảm gần phân nửa đơn hàng và buộc phải cắt giảm lao động, thu hẹp quy mô sản xuất. Trong bối cảnh đó, Thiên Nam đã quyết định gấp rút xây dựng nhà máy tráng phủ màu kim loại và tiếp nhận chuyển giao toàn bộ lò mạ PVD chỉ trong vòng 3 tháng - đánh dấu một bước chuyển mình giúp nâng cao năng lực cốt lõi, mở rộng hoạt động gia công cơ khí và tham gia sâu hơn vào mảng trang trí nội ngoại thất để tạo ra những sản phẩm có tính mỹ thuật cao, mang lại nhiều giá trị hơn cho các công trình, dự án.

Năm 2025, ngay trong thông điệp đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá để về đích, thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, mở ra kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã định hướng.

Với tâm thế đó, chúng tôi kỳ vọng, 2025 sẽ là năm Thiên Nam bứt phá, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục tăng trưởng tốt hơn nữa (dự kiến mục tiêu tăng trưởng 15%).

Sẵn sàng cho sự bứt phá này, trong bối cảnh xu thế sản xuất xanh, bền vững bao trùm toàn cầu, thời gian qua, Thiên Nam đã đẩy mạnh chuyển dịch sản xuất kinh doanh theo hướng xanh. Cụ thể, Thiên Nam đã chuyển đổi sang sử dụng điện mặt trời áp mái để phục vụ cho sản xuất, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của khách hàng.

Năm nay, bên cạnh sản xuất những sản phẩm cốt lõi, truyền thống, chúng tôi sẽ đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng tốt hơn nhiều dạng khách hàng để tăng doanh thu, góp phần tăng trưởng nhanh hơn. Đồng thời, tiếp tục đầu tư, nâng công suất hệ thống máy móc; tích cực tìm kiếm các đơn hàng và đẩy mạnh xuất khẩu…

Chuyển mình để thích ứng với khó khăn, thách thức

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10

Năm 2024 đi qua với nhiều thắng lợi của nền kinh tế nói chung, cũng như ngành dệt may Việt Nam nói riêng. Để có được kết quả tích cực trong năm 2024, May 10 nỗ lực mở rộng và phát triển khách hàng và thị trường mới, đồng thời tái cấu trúc bộ phận kinh doanh nội địa, chú trọng xây dựng và thúc đẩy bán hàng qua kênh thương mại điện tử… Trong xu hướng tất yếu chuyển đổi xanh, Tổng công ty đầu tư nguồn lực, chi phí rất lớn cho việc thực hiện chiến lược xanh hóa.

Năm 2025 đã tới, ngành dệt may Việt Nam xác định tiếp tục đối diện với những khó khăn như thiếu lao động, đơn hàng, thời gian giao hàng nhanh, chuỗi cung ứng còn rủi ro… Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao kiến thức, chuyên môn cho đội ngũ quản lý, lao động; thực hiện triệt để công tác phòng, chống lãng phí; chủ động tìm kiếm, khai thác thị trường trong nước và quốc tế; nghiên cứu sản phẩm mới… Bên cạnh đó, tham gia vào các công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục