Năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Lâm Đồng là 7.537,596 tỷ đồng. Ảnh: LĐ |
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng, năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của Tỉnh là 7.537,596 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, tổng số vốn thực hiện trên địa bàn đạt 2.980,1 tỷ đồng, bằng 39,53% kế hoạch. Toàn Tỉnh đã triển khai 446 công trình xây dựng cơ bản như: Dự án mở rộng đèo Prenn, TP. Đà Lạt; Dự án Đầu tư 5 trường tiểu học và THCS đạt chuẩn: Lý Thường Kiệt, Phan Bội Châu, Hai Bà Trưng, Lộc Thanh, Nguyễn Khuyến (TP. Bảo Lộc); Dự án Xây dựng đường nội thị thuộc quy hoạch chung thị trấn Bằng Lăng (giai đoạn 1), đường từ Trung tâm huyện đi Quốc lộ 27 huyện Đam Rông; Dự án Đường tránh thị trấn Thạnh Mỹ…
Đối với những dự án chậm tiến độ, theo UBND Tỉnh, một trong những nguyên nhân chính là vướng mắc về GPMB.
Đơn cử, Dự án Xây dựng các tuyến đường trên địa bàn thị trấn Cát Tiên: đường Trần Lê (đường Lô 2); hệ thống thoát nước dọc, vỉa hè đường ĐT.721 đoạn qua Tổ dân phố 1; đường 3H; đường 3B và đường giao thông liên thôn từ C7 đi C13, huyện Cát Tiên được phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 9/2020, nhưng gặp vướng mắc trong GPMB, chi phí bồi thường cao, không được sự đồng thuận của người dân về hạng mục tuyến đường 3H, 3B. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ Dự án, UBND Tỉnh đề xuất bỏ hạng mục tuyến đường 3H, 3B ra khỏi Dự án.
Tương tự, Dự án Xây dựng đường nội thị thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác vận động GPMB. Nguyên nhân là diện tích GPMB lớn ảnh hưởng nhiều đến đất, nhà và vật kiến trúc nên không nhận được sự đồng thuận cao của người dân; người dân yêu cầu bồi thường với giá trị lớn. Nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai Dự án, theo UBND Tỉnh, bắt buộc phải điều chỉnh quy mô Dự án. Cụ thể, cắt giảm hạng mục đầu tư 198 m đoạn 1 từ ND3 đến Đường 30/4; hạng mục tuyến NB12 (NB23); tuyến NC3; tuyến NE7. Ngoài ra, UBND Tỉnh đề xuất cắt giảm không đầu tư hạng mục DX2 do trùng tuyến với Dự án Nâng cấp đường từ ĐT.721 đi vào khu dân cư tập trung Tổ dân phố 3A, 3B; xây dựng đường giao thông Tổ dân phố 2C, 2D - thị trấn Đạ Tẻh.
Tại Dự án Đầu tư xây dựng đường giao thông nối từ đường Lữ Gia xuống thượng lưu Hồ Xuân Hương, xây dựng kè chắn xung quanh hồ lắng số 1 và dọc theo suối (đoạn từ hồ lắng số 1 đến điểm đường Lữ Gia mở rộng) TP. Đà Lạt, sau khi cập nhật đơn giá bồi thường về đất và tài sản trên đất, chi phí bồi thường GPMB và chi phí dự phòng tăng làm tăng tổng mức đầu tư. Do đó, UBND Tỉnh đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong đó tăng tổng mức đầu tư Dự án từ 138 tỷ đồng lên 261,18 tỷ đồng (chi phí bồi thường GPMB là 163,544 tỷ đồng)…
Những đề xuất nêu trên vừa được HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa X phê duyệt tại Kỳ họp lần thứ 10. Ngày 24/7/2023, UBND Tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư các dự án nêu trên khẩn trương hoàn thành thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư, trình thẩm định, phê duyệt theo quy định để sớm triển khai thi công công trình. Các sở chuyên ngành, các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện đẩy nhanh công tác thẩm định hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với các đơn vị, chủ đầu tư tập trung hoàn thành các thủ tục đầu tư liên quan để triển khai thi công công trình, bảo đảm giải ngân 100% số vốn bố trí trong năm 2023.
Tại Nghị quyết 180/NQ-HĐND vừa được HĐND Tỉnh khóa X thông qua, HĐND Tỉnh yêu cầu các cấp tập trung xây dựng, hoàn thành có hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và kế hoạch đầu tư công năm 2023 với mục tiêu hoàn thành giải ngân cả năm trên 95% kế hoạch và 100% vào ngày 31/1/2024. Bám sát, nắm chắc tình hình thực hiện các dự án, kịp thời có các giải pháp đẩy nhanh thủ tục đầu tư, tiến độ thi công, thanh toán giải ngân. Rút vốn từ các dự án, công trình chậm triển khai, chậm giải ngân để bố trí cho các dự án, công trình có tiến độ giải ngân cao; không xem xét, bố trí lại vốn cho các công trình, dự án đã bị rút vốn.
Bên cạnh đó, tổ chức đấu giá quyền khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng phục vụ thi công các công trình, dự án lớn với cam kết tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu vật liệu phục vụ dự án đầu tư công. Đồng thời, tập trung thực hiện tốt công tác bồi thường GPMB, tái định canh, tái định cư, đặc biệt là các dự án lớn, trọng điểm.