Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Tận dụng lợi thế
Cuối tháng 2/2016 vừa qua, tại cảng SSIT (Bà Rịa - Vũng Tàu), Tập đoàn Hoa Sen đã xuất khẩu lô hàng 20.000 tấn tôn thành phẩm đến Hoa Kỳ. Lô hàng trị giá khoảng 10 triệu USD và là lô hàng tôn thành phẩm lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam xuất khẩu đến thị trường Hoa Kỳ - một thị trường khó tính với các yêu cầu khắt khe về chất lượng, dịch vụ, thời gian giao hàng.
Nói về ý nghĩa thương vụ này, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, cho rằng nhờ tận dụng các lợi thế cạnh tranh “sản phẩm có chất lượng tiêu chuẩn, thời gian giao hàng nhanh và dịch vụ hậu mãi tốt”. Đặc biệt, ông Vũ nhấn mạnh yếu tố chủ động đón đầu xu thế và tận dụng cơ hội trong giai đoạn hội nhập, tạo được ấn tượng thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế.
Theo ông Lê Phước Vũ, khi thị trường mở cửa, nếu chuẩn bị hội nhập không tốt, Việt Nam sẽ trở thành vùng trũng tiêu thụ hàng hóa của các nước trong khu vực. Nhận thấy rõ thách thức này, để tránh rủi ro, Tập đoàn Hoa Sen đã tận dụng tối đa năng lực cạnh tranh của mình và thực hiện theo đúng quy định của các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đồng thời, DN chủ động xây dựng cho mình một chiến lược thương hiệu đúng đắn và hiệu quả với chuỗi lợi thế cạnh tranh cốt lõi.
Nhận định về việc xây dựng chuỗi lợi thế này, theo giới chuyên gia kinh tế, DN cần có quy trình sản xuất khép kín, sở hữu hệ thống phân phối - bán lẻ nhằm đưa sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng, cũng như xây dựng hình ảnh thương hiệu mạnh và tạo được nhu cầu từ thương hiệu. Ngoài ra, điều quan trọng là luôn linh hoạt, tiên phong đầu tư công nghệ mới và hoạt động hiệu quả.
Nói như ông Vũ Bá Phú, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch thuộc Bộ Công Thương, DN nội phải dũng cảm chấp nhận cạnh tranh và phải chủ động, sáng tạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ do mình cung ứng.
Đầu tư chuỗi giá trị
Ở một diễn biến khác, Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) mới đây có động thái giảm giá xe đồng loạt. Việc giảm giá này được thực hiện theo thông điệp năm 2016 của ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco. Đó là hoàn thiện cấu trúc giá thành, cắt giảm chi phí trên toàn chuỗi giá trị 5%/năm trong năm 2016.
Với doanh số đạt 80.421 xe bán ra trong năm 2015, tăng 90% so với năm 2014, đạt 38,6% thị phần của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), Thaco tiếp tục đứng đầu trong VAMA và đặt kế hoạch doanh số năm 2016 xấp xỉ 100.000 xe. Trong đó, xe tải đạt doanh số 40.000 xe, xe bus 3.000 xe, tiếp tục đứng đầu thị trường xe tải và xe bus. Đặc biệt xe con (Kia, Mazda, Peugeot) ước đạt 57.000 xe, đứng đầu thị trường xe con tại Việt Nam.
Năm 2016 được Thaco xác định là DN Việt có vị trí hàng đầu trong khu vực Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Lý giải thêm về việc giảm giá xe, ông Nguyễn Một, Giám đốc truyền thông Thaco, cho biết do Thaco hoạt động theo chuỗi giá trị từ sản xuất, giao nhận, vận chuyển đến phân phối và hệ thống bán lẻ. Hơn nữa, Thaco định hướng phát triển sản xuất lắp ráp ô tô và linh kiện, phụ tùng theo hướng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, nên Công ty luôn kiểm soát được chi phí ở mức phù hợp nhất khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế, để vượt khó trước áp lực cạnh tranh và giữ vị thế như Thaco hay Hoa Sen thì điểm cốt lõi là chiến lược giữ vững thị trường nội địa, tăng độ phủ, tăng khả năng tiếp cận đến khách hàng và giúp họ thuận tiện trong quá trình mua. Đây cũng chính là cách thức hội nhập vào nền mậu dịch tự do khu vực và toàn cầu.
Ngoài ra, nói như ông Vũ Bá Phú, các DN nội cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất lao động. Về phía mình, Bộ Công Thương đang khẩn trương nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp hỗ trợ, phát triển nhanh, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tận dụng các cơ hội thị trường mở ra từ các FTA.
Giới chuyên gia cho biết thêm, nếu DN nội phát huy được chuỗi giá trị liên kết, nhất là tạo dựng chuỗi lợi thế cạnh tranh thì việc đương đầu trước thách thức của các FTA không phải là vấn đề quá khó khăn. Việc hình thành chuỗi giá trị sẽ tạo động lực sản xuất, phát huy được hết khả năng của các DN nội địa và giúp duy trì thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh, đưa hàng hóa vào thị trường.