Hội nhập đang trở thành cái nia sàng lọc buộc doanh nghiệp phải tìm được những phân khúc trên thị trường các nước khác để tiếp cận và bám trụ.
Xuất ngoại nhờ vững trong nước
Là doanh nghiệp có sản phẩm các mặt hàng máy móc, thiết bị nông nghiệp ở một số thị trường ASEAN, ông Nguyễn Thể Hà, cố vấn Công ty TNHH Cơ khí công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ (TP.HCM), cho rằng trong lĩnh vực cơ khí nông nghiệp, sản phẩm của mình không thua sản phẩm cùng loại ở thị trường các nước trong khu vực.
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, những sản phẩm của mình có giá bán tốt, chăm chút chất lượng sẽ vẫn cạnh tranh được. Lợi thế của máy móc nông nghiệp VN là phù hợp với địa phương và có nguồn nhân công tại chỗ, điều đó giúp cho chất lượng máy VN ngang bằng với hàng nhập khẩu nhưng giá rẻ hơn.
“Trước khi có các hiệp định thương mại tự do, chúng tôi phải xài máy móc tự chế, nhưng sau khi mở cửa, chúng tôi mua các thiết bị, nguyên liệu sản xuất tốt nhất từ các nước nên chất lượng sản phẩm của chúng tôi cũng tốt hơn” - ông Hà kể lại.
Tuy nhiên, thời gian tới, để cạnh tranh doanh nghiệp phải tiếp tục hiện đại hóa công nghệ, vì vậy vẫn cần những chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước về vốn, lãi suất...
Ở một lĩnh vực mà trên bản đồ khu vực, VN vẫn bị đánh giá thấp là công nghệ thông tin (CNTT) nhưng với định hướng toàn cầu hóa đã mang về doanh thu từ thị trường nước ngoài cho Tập đoàn FPT trong năm 2015 tăng đến 41% so với năm trước.
Theo ông Đỗ Cao Bảo - chủ tịch Công ty hệ thống thông tin FPT, thị trường ASEAN là mục tiêu của không ít công ty về CNTT trên thế giới, cơ hội cho các nhà thầu quốc tế chỉ ở hệ thống CNTT lớn cấp quốc gia, cấp ngành còn lại không thể cạnh tranh với các công ty địa phương.
Chưa kể những bất cập về ngôn ngữ, văn hóa, pháp lý, thói quen kinh doanh và khoảng cách địa lý... đều là những khó khăn lớn cho việc tiếp cận thị trường và xúc tiến kinh doanh.
Tại Myanmar, FPT từng phải mất ba năm mới ký được hợp đồng vì quá trình trao đổi, cân nhắc kéo khá dài thời gian và nhiều phát sinh. Hay ở Philippines, khách hàng cực kỳ hạn chế việc tiếp xúc với nhà thầu bởi luật pháp tại đây được xây dựng khá chặt chẽ, dựa theo luật pháp của Mỹ, cộng với văn hóa kiện tụng trở thành chuyện hằng ngày.
“Để giải quyết những khó khăn đó, bên cạnh đội ngũ cán bộ thường trực tại Philippines để hiểu văn hóa, pháp lý, thói quen kinh doanh, khách hàng, cần kiên trì xây dựng mối quan hệ, đa dạng kênh tiếp cận khách hàng” - ông Bảo nói.
Trong chiến lược phát triển thời gian tới, chính phủ các nước ASEAN sẽ tiếp tục chi mạnh, có thể lên đến 2 tỉ USD cho CNTT.
Quy mô thị trường mỗi quốc gia sẽ tùy vào dân số, trình độ phát triển kinh tế, trình độ phát triển CNTT, trong đó có các nước như Indonesia, Philippines... hay các nước có quy mô nhỏ hơn là Myanmar, Campuchia, Lào, và đây tiếp tục là cơ hội cho doanh nghiệp VN.
Cuộc sàng lọc khắc nghiệt
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh - trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, so với các nước trong AEC, cơ cấu hàng hóa của VN gần giống với các nước nhưng VN vẫn có những thế mạnh riêng.
Trong quá khứ, khi VN mở cửa và giảm thuế đã có những lo lắng khi thấy bia, gạch men và sản phẩm nhựa của các nước trong khu vực tràn vào VN. Tuy nhiên, doanh nghiệp VN đã không thua, hàng VN đã dần chiếm lại được thị trường. Hội nhập đặt doanh nghiệp vào môi trường cạnh tranh.
“Về sức cạnh tranh, tôi không nghĩ chúng ta yếu. Trên bàn đàm phán có thể thấy các nước rất e ngại sức cạnh tranh của hàng hóa VN, nên họ khá rụt rè trong việc mở cửa thị trường. Một nước xuất khẩu tới 165 tỉ USD hàng hóa, trong đó có nhiều mặt hàng thuộc tốp đầu thế giới như gạo, cà phê, hạt tiêu, thủy sản, dệt may..., không thể là một nước có sức cạnh tranh yếu.
Chiến lược duy nhất đúng trong hội nhập là tập trung vào những lĩnh vực mà mình có lợi thế, đừng cố gắng sản xuất mọi thứ” - ông Khánh gợi ý.
TS Võ Trí Thành, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương, cho rằng khi hội nhập, bên cạnh những doanh nghiệp lớn mạnh nhờ chớp được thời cơ thì có thể sẽ có những đổ vỡ, những cuộc thôn tính trong một số ngành sản xuất, nhưng điều đó không có nghĩa doanh nghiệp VN không thể cạnh tranh được.
Gần đây, hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp VN với nhà đầu tư nước ngoài đang sôi nổi, nhiều người lo lắng nhiều ngành nghề quan trọng của VN dần rơi vào tay ông chủ nước ngoài. Tuy nhiên, mọi người cần suy nghĩ câu chuyện mua bán doanh nghiệp một cách nhẹ nhàng hơn, bởi lúc này nhà đầu tư nước ngoài cũng là một thành phần kinh tế.
Điều quan trọng trong thời gian tới là VN nên tập trung vào những ngành mình có thế mạnh, phải có chọn lọc, có thể tiến tới chuyển dịch cơ cấu, chuyển dịch lao động cho phù hợp với điều kiện mới. “Hội nhập AEC như một cuộc sàng lọc, ông nào làm tốt thì sống khỏe, người làm không tốt thì chấp nhận thất bại, rời khỏi cuộc đua” - TS Thành nói.
* Ông Đào Phan Long (phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí VN): Công nghiệp ôtô còn cơ hội
Câu chuyện ngành ôtô đã được nói đến rất nhiều. Chúng ta đi chậm, do VN hội nhập chậm, đến nay, theo tôi, cơ hội vẫn ở phía trước với ngành công nghiệp ôtô VN.
Trong khu vực, Thái Lan, Indonesia, Malaysia đã có ngành sản xuất linh kiện, phụ tùng ôtô. Trong đó, Malaysia đã nỗ lực và đầy quyết tâm sử dụng hàng nội, và họ đã có xe Proton.
Thái Lan có cả công nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện và sản xuất được xe bán tải Pick-up. VN loay hoay mãi do trước đây ta chỉ trông vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, gần đây đã nổi lên những thương hiệu Việt quyết tâm và có khả năng làm ôtô.
Doanh số của Trường Hải đã vượt doanh số lắp ráp của Toyota VN. Chúng tôi nhận thấy vẫn có thị trường ngách cho công nghiệp ôtô VN, đó là: ôtô buýt, ôtô tải nhẹ, tải trung, các loại xe chuyên dụng có thể lắp thành xe bồn, xe chở rác...
Thuế sẽ giảm trong cộng đồng ASEAN nhưng đó không phải điều đáng sợ. Vấn đề là phải nỗ lực cả từ doanh nghiệp và Nhà nước để làm sao sản xuất được cả những bộ phận quan trọng như sắt-xi, vỏ, thùng xe, có chăng chỉ nhập khẩu động cơ và một vài thiết bị quan trọng.
Đường sá tốt lên, cao tốc liên tỉnh phát triển theo quy luật tự nhiên ngành ôtô phát triển.
* Ông Trần Ngọc Hiệp (phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN): Cần tiến lên sản xuất lớn
Thị trường ASEAN chiếm tới khoảng 80% tổng hàng rau quả xuất khẩu của VN. Khi Cộng đồng ASEAN đi vào hoạt động, nhiều cơ hội mở ra nhưng cũng có nhiều khó khăn chưa dễ được giải quyết. Ngành nông nghiệp của VN là nền nông nghiệp nhỏ lẻ, khi cánh cửa hội nhập mở ra, cơ bản cũng có lợi.
Theo tôi, nông dân sẽ được lợi hơn nếu tiếp thu khoa học tiên tiến, sẵn sàng đưa cái mới vào sản xuất. Nhưng nếu phần lớn là sản xuất nhỏ lẻ thì khó cạnh tranh với doanh nghiệp lớn của các nước.
Trong ASEAN, rau quả VN vẫn có thế mạnh riêng, kể cả với Thái Lan. Tuy nhiên, VN cần có bước đi, tính toán, tiến lên sản xuất lớn, chứ phát triển theo kiểu nhỏ lẻ sẽ khó khăn.
Cần làm sao tập hợp nông dân để sản xuất lớn, chất lượng đồng bộ, khi bán mới hiệu quả.
Cũng là quả dưa, nếu nơi này sản xuất chất lượng tốt, nơi kia lại chưa tốt là do thiếu sự hợp tác. Bên cạnh đó, yếu tố pháp lý chưa tốt. Chẳng hạn, hợp tác nông dân - doanh nghiệp, ký hợp đồng rồi nhưng khi giá rẻ thì bao nhiêu nông dân cũng đưa về, thậm chí lấy nơi khác đem về.
Còn khi giá cao, họ không bán nữa, doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ sập tiệm. Do vậy, Chính phủ cần kiên quyết hơn, cần xử lý công bằng để tạo động lực cùng phát triển.
Vững trong nước để bước ra ngoài
Nhìn nhận cơ hội cho hàng Việt đi ra thị trường ASEAN, tiến sĩ Hans-Paul Burkner, chủ tịch Tập đoàn tư vấn Boston (BCG), cho rằng điều quan trọng đối với doanh nghiệp VN là phải đảm bảo giữ vững được vị thế của mình tại thị trường trong nước trước khi ra thị trường bên ngoài.
Chỉ nên bước ra ngoài khi thế đã vững, nên tận dụng lợi thế nhỏ của mình, có thể nhỏ nhưng linh hoạt.
Việc định vị doanh nghiệp ở một vị thế ít tốn kém hơn sẽ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí không cần thiết, và đến một lúc nào đó qua thời gian tích lũy sẽ tạo cho doanh nghiệp sự tự tin khi đi ra ngoài.
C.V.KÌNH ghi