WB: Nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều lực cản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang đối mặt với nhiều lực cản mạnh. Trong đó, sức cầu bên ngoài chững lại trong khi điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt chặt gây ảnh hưởng đến tỷ giá; lạm phát giá tăng và điều kiện huy động tài chính trong nước cũng bị thắt chặt có thể ảnh hưởng đến cầu trong nước.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11/2022, WB cho biết, tăng trưởng sản xuất công nghiệp có dấu hiệu chững lại do sức cầu bên ngoài yếu. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 10 chỉ tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước - trong khi chỉ số này ở mức tăng 10,3% trong tháng 9. Tăng trưởng giảm tốc có thể do hiệu ứng xuất phát điểm thấp đang yếu dần. Tuy nhiên, sức cầu yếu đi bên ngoài cũng có thể là nguyên nhân quan trọng khi tăng trưởng tại EU, Hoa Kỳ và Trung Quốc đang chậm lại. Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo - chế biến giảm từ 52,5% trong tháng 9 xuống 50,6% trong tháng 10, là mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021, càng chứng tỏ tăng trưởng trong lĩnh vực chế tạo - chế biến đang giảm tốc.

Doanh số bán lẻ (Tỷ lệ %, không điều chỉnh theo mùa vụ)

Doanh số bán lẻ

(Tỷ lệ %, không điều chỉnh theo mùa vụ)

Báo cáo của WB cho biết, doanh số bán lẻ tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn. So với cùng kỳ năm trước, doanh số bán lẻ tăng 17,1% trong tháng 10 so với mức tăng 32,3% của tháng 9. Tăng trưởng giảm mạnh một mặt do hiệu ứng xuất phát điểm thấp đang mờ dần, giống như đối với chỉ số sản xuất công nghiệp; mặt khác, điều này phản ánh nhu cầu trong nước đang yếu đi do quá trình hồi phục tiêu dùng trong ba quý đầu năm dường như đang yếu dần trong điều kiện lạm phát. Doanh số bán lẻ hàng hóa tăng 9,6%, thấp hơn so với tốc độ tăng trước đại dịch ở mức khoảng 12% so với cùng kỳ năm 2021. Tốc độ tăng doanh số dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành đã từng vượt trên cả mức trước đại dịch trong tháng 8/2022, nhưng hiện chỉ đạt 12% (so với cùng kỳ năm 2021), nghĩa là thấp hơn so với tháng 10/2019.

Mặc dù cán cân thương mại ghi nhận thặng dư ở mức 2,3 tỷ USD trong tháng 10 (tháng thứ 5 liên tiếp xuất siêu), nhưng tăng trưởng xuất khẩu lại giảm từ 10,3% trong tháng 9 xuống còn 4,8% trong tháng 10 (so với cùng kỳ), là tốc độ tăng thấp nhất kể từ tháng 10/2021. Lý giải tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc, báo cáo của WB cho biết, một phần là do sức cầu bên ngoài yếu đi.

Theo WB, lạm phát cơ bản và toàn phần tăng tốc. Cụ thể, lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng tốc từ 3,9% trong tháng 9 lên 4,3% trong tháng 10, lần đầu tiên vượt chỉ tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kể từ tháng 4/2020. Yếu tố đóng góp của lĩnh vực vận tải tiếp tục giảm mạnh do giá xăng dầu trong tháng 10 giảm lần lượt 6,0% (so cùng kỳ) và 0,6% (so tháng trước), thấp hơn 2,1% so với năm trước.

Đóng góp cho lạm phát CPI (Tỷ lệ % và điểm %, so cùng kỳ năm trước)

Đóng góp cho lạm phát CPI

(Tỷ lệ % và điểm %, so cùng kỳ năm trước)

Bù lại, lạm phát gia tăng là do giá lương thực thực phẩm tăng mạnh từ 2,8% trong tháng 9 lên 5,0% trong tháng 10/2022, mức cao nhất kể từ tháng tháng 12/2020. Nhóm hàng này chiếm 21,3% giỏ tính CPI. Lạm phát cơ bản, nghĩa là không bao gồm giá lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng được Nhà nước quản lý giá (y tế và giáo dục), tiếp tục tăng từ 3,8% trong tháng 9 (so cùng kỳ) lên 4,5% trong tháng 10, đạt kỷ lục mới.

Liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng, WB cho biết, tăng trưởng tín dụng hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Sau khi đạt kỷ lục tăng 16,9% trong tháng 9 (so cùng kỳ), tăng trưởng tín dụng giảm xuống còn 16,5% trong tháng 10 (so cùng kỳ). Tốc độ tăng giảm xuống là do tác động của việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thắt chặt điều kiện huy động tài chính trong nước bằng cách nâng lãi suất lên tổng cộng 200 điểm cơ bản trong tháng 9 và tháng 10.

“Lãi suất liên ngân hàng qua đêm đạt kỷ lục mới ở mức bình quân 5,8% trong tháng 10 so với 4,9%/năm trong tháng 9/2022, cao hơn nhiều so với lãi suất 0,65% trong năm trước đó. Lãi suất cũng biến động mạnh hơn, dao động từ mốc đáy 3,1% lên mốc đỉnh 8,4%/năm trong tháng 10”, WB cho biết.

Tăng trưởng tín dụng (Tỷ lệ %, không điều chỉnh theo mùa vụ)

Tăng trưởng tín dụng

(Tỷ lệ %, không điều chỉnh theo mùa vụ)

Bên cạnh đó, đồng tiền của Việt Nam giảm giá so với đồng USD trong bối cảnh điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt lại và đồng USD mạnh lên khiến tỷ giá VND/USD tiếp tục bị mất giá trong tháng 10/2022.

Điểm đáng chú ý, theo WB, cân đối ngân sách đạt bội thu ở mức nhỏ. Cụ thể, cân đối ngân sách theo tháng ghi nhận bội thu ở mức 0,2 tỷ USD trong tháng 10 sau khi rớt nhẹ xuống ngưỡng bội chi trong tháng 9.

Ngân sách đạt bội thu cho dù tổng thu giảm 6,7% (so cùng kỳ năm trước), lần đầu tiên thu ngân sách giảm trong năm 2022. Tổng chi tăng 11,8% (so cùng kỳ năm trước) chủ yếu nhờ hiệu ứng xuất phát điểm thấp.

Đến cuối tháng 10/2022, thu ngân sách của Chính phủ vượt tổng dự toán thu cho cả năm ở mức 3,7%, nhưng chi ngân sách chỉ đạt 68,3% so với tổng dự toán chi cả năm, dẫn đến bội thu ngân sách ở mức 10,7 tỷ USD.

Tin cùng chuyên mục