Xác định phạm vi quản lý, sử dụng tài sản công

(BĐT) - Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) cho biết, một số ý kiến cho rằng, phạm vi của tài sản công là rất rộng và ở nhiều hình thái khác nhau, trong đó, nhiều loại không hoặc chưa xác định được giá trị.
Nhiều ý kiến cho rằng không nên đưa đất đai, khoáng sản… vào phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều ý kiến cho rằng không nên đưa đất đai, khoáng sản… vào phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Ảnh: Lê Tiên

Vì vậy, việc quy định tất cả các loại tài sản vào quản lý chung trong Luật là quá rộng, thiếu tính khả thi.

Phạm vi quá rộng

Trình bày trước Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, tên của dự án Luật là “Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi)”. Tuy nhiên, Chính phủ nhận thấy, Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên quy định: đất đai, tài nguyên thiên nhiên và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công (TSC) thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Bộ luật Dân sự năm 2015 không còn quy định về hình thức sở hữu nhà nước. Vì vậy, Chính phủ trình Quốc hội cho đổi tên của Dự án là “Luật Quản lý, sử dụng TSC”.

Với quan điểm luật này là luật chung điều chỉnh việc quản lý, sử dụng TSC, bên cạnh những quy định áp dụng chung cho tất cả các loại TSC, trong nội dung dự thảo quy định về chế độ quản lý, sử dụng đối với từng loại tài sản có sự phân biệt các mức độ khác nhau: Quy định toàn diện chế độ quản lý, sử dụng đối với những loại tài sản đang được điều chỉnh tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành và những loại tài sản đang được quy định chế độ quản lý, sử dụng tại các văn bản dưới luật (như: tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu thuộc về Nhà nước); Quy định chế độ khai thác và quản lý nguồn lực tài chính đối với các loại TSC khác (như: tài sản kết cấu hạ tầng, đất đai, tài nguyên).

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, khi xây dựng, luật này bao trùm tất cả các luật liên quan đến tài sản, tài chính về các TSC. Như vậy, phải nghiên cứu rộng hơn và các luật chuyên ngành sẽ phải theo luật này. “Nếu như vậy chúng ta sẽ có hành lang pháp lý tập trung, tính đồng bộ cao hơn” - Bộ trưởng Dũng nói. 

Không nên cầu toàn

Đồng thuận với Chính phủ về việc sửa tên là “Luật Quản lý, sử dụng TSC” để bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định tại Điều 53 của Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự 2015, tuy nhiên, về phạm vi điều chỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, Dự án Luật tham vọng khi đưa hết tài nguyên, đất đai vào với hy vọng bao quát hết. Theo ông Hải, Dự án Luật nên tập trung đến tài sản liên quan đến tài chính nhà nước trước, còn những nội dung đã được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành  thì không quy định nữa. Quan trọng là tài sản hữu hình, tài sản tài chính của Nhà nước chúng ta phải đưa vào Luật để quản lý tốt hơn.

Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, nên tiếp cận Dự án Luật này theo quan điểm mục tiêu là sử dụng TSC hiệu quả, tiết kiệm, khắc phục những bất cập, yếu kém trong việc thi hành luật, tổ chức luật hiện hành; chống được tiêu cực, lãng phí, tham nhũng trong quản lý, sử dụng TSC. Do đó, Dự án Luật không nên cầu toàn quá, nếu bao quát tất cả những gì theo quy định của Hiến pháp về TSC thì sẽ không thể giải quyết được. “Những vấn đề quản lý đất đai, khoáng sản… đã có luật chuyên ngành rồi thì nên khoanh lại phạm vi điều chỉnh” – ông Lưu nêu quan điểm.

Cũng liên quan đến nội dung này, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng về phạm vi điều chỉnh và chỉ nên đưa những TSC cần thiết phải có quy định quản lý ngay, TSC cân đo đong đếm được thì đưa vào Dự án Luật. Theo đó, nguyên tắc là những TSC nào đã quy định ở các văn bản luật chuyên ngành rồi thì ở trong Dự án Luật này chỉ nêu về mặt nguyên tắc, khung và để các luật chuyên ngành quy định chi tiết.

Tin cùng chuyên mục