Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho DNNVV là cần thiết, cấp bách, làm càng sớm càng tốt để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Tiên |
Bảo đảm tính khả thi
Cho ý kiến về Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, Thường trực Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội cho rằng, để bảo đảm tính khả thi, chỉ đưa vào Dự thảo Luật những nội dung phù hợp có tính ổn định đã được tổng kết thực tiễn. Đối với nguồn lực nhà nước, việc hỗ trợ DNNVV phải dựa trên khả năng cân đối của nguồn lực quốc gia trong từng thời kỳ, chủ yếu hỗ trợ gián tiếp thông qua việc tạo cơ chế chính sách (miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất, tiền thuê đất…) thông qua tổ chức trung gian để cung cấp dịch vụ hỗ trợ DNNVV. Đồng thời, bổ sung rõ hơn các quy định về thẩm quyền phê duyệt các chương trình hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để việc hỗ trợ tập trung, có trọng tâm hơn. Đối với nguồn lực ngoài nhà nước, sẽ tiếp tục nghiên cứu quy định rõ hơn cơ chế thu hút nguồn vốn từ khu vực ngoài nhà nước để hỗ trợ DNNVV.
Thường trực UBKT cũng cho rằng, về hỗ trợ cơ bản đưa ra tại Dự thảo Luật là những hỗ trợ thiết yếu đối với tất cả các DNNVV như vốn, mặt bằng sản xuất, đào tạo, thông tin, tư vấn, mua sắm công, ươm tạo… Tuy nhiên, không có nghĩa là tất cả các DNNVV được hưởng các hỗ trợ này, mà phải đáp ứng điều kiện hỗ trợ của từng nội dung hỗ trợ cơ bản. Thường trực UBKT đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định rõ hơn những doanh nghiệp được tập trung ưu tiên hỗ trợ là những DNNVV có tiềm năng, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế như áp dụng công nghệ cao để sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản, doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ du lịch, dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục… như ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội.
Làm càng sớm càng tốt
Về các giải pháp hỗ trợ thuế, Thường trực UBKT cho rằng, để hướng tới mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả thì về lâu dài, hỗ trợ thuế cho DNNVV vẫn là chính sách hỗ trợ cơ bản và tất cả DNNVV đều mong muốn được tiếp cận. Tuy nhiên, để tránh ảnh hưởng lớn tới cân đối thu ngân sách nhà nước, cần thu hẹp đối tượng hỗ trợ để bảo đảm nguồn lực, tăng thêm tính khả thi.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho DNNVV là cần thiết, cấp bách, làm càng sớm càng tốt để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ban soạn thảo phải nghiên cứu kỹ về phạm vi điều chỉnh, căn cứ từ nguồn lực hỗ trợ cho DNNVV, phải quy định rõ những doanh nghiệp được tập trung ưu tiên hỗ trợ là doanh nghiệp có tiềm năng, không thể tràn lan.
Về một số ý kiến lo ngại những quy định tại Dự thảo Luật không đồng bộ, có thể phá vỡ hệ thống pháp luật hiện hành, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, nếu làm Luật này mà không động đến các luật khác hiện hành thì không tạo ra đột phá trong hỗ trợ DNNVV, cùng 1 vấn đề văn bản sau có thể thay cho văn bản luật trước. “Nếu không mở khóa này thì bó hết”, ông Uông Chu Lưu nhấn mạnh.
Kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu Ban soạn thảo tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo Luật, theo hướng rà soát lại phạm vi, có trọng tâm trọng điểm, có sự hỗ trợ nhưng nên tập trung vào các doanh nghiệp có xu hướng phát triển mạnh, phù hợp với xu hướng đổi mới mô hình tăng trưởng.
Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV diễn ra từ ngày 9 đến 11/1/2017. Tại Phiên họp, UBTVQH cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của các dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật Quản lý ngoại thương; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Quy hoạch; Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Cảnh vệ. Đồng thời xem xét, thông qua Nghị quyết của UBTVQH ban hành Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội; Nghị quyết ban hành Quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức.
UBTVQH cũng cho ý kiến về Danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho từng dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về việc xử lý kỷ luật đối với các cán bộ, công chức đã nghỉ hưu.