Lực lượng lao động lớn với hàng chục triệu người ở độ tuổi trẻ trung và có năng lực là một nguồn lực vô cùng quý báu cho sự phát triển đất nước. Ảnh: Minh Khuê |
EQ chỉ đáp ứng khoảng 30% yêu cầu chung
Một trong những nội dung đáng chú ý của Chính phủ kiến tạo là vận hành trên hệ thống pháp luật không can thiệp mà tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp tư nhân phát triển. Như vậy, ngành giáo dục cần phải đào tạo ra những công dân có kiến thức, kỹ năng, tư duy và tinh thần như thế nào? Để xây dựng một Chính phủ đổi mới sáng tạo, giáo dục cần phải trang bị những hành trang nào để công dân thích ứng và phát huy những thành quả đổi mới đó?
Năm 2018, Trung tâm UNESCO Đào tạo và Phát triển văn hóa giáo dục thuộc Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam phối hợp với Học viện G.A.P và các đơn vị khác thực hiện Dự án nghiên cứu Thế hệ tài năng Việt 2018 (Talent Generation 2018) với gần 8.000 sinh viên Việt Nam ở 300 trường đại học và cao đẳng trên cả nước. Kết quả cho thấy, so với quốc gia đã phát triển và những nền kinh tế mới nổi ở châu Á, kỹ năng tiếng Anh, chỉ số thông minh (IQ), năng lực tư duy ngôn ngữ của phần lớn thế hệ sinh viên trẻ Việt Nam có kết quả rất khả quan.
Tự hào có, trăn trở cũng có, đội ngũ nghiên cứu cũng nhận ra rằng những trở ngại cho sự phát triển toàn diện nguồn nhân lực phần lớn là nằm ở kỹ năng mềm và khả năng ứng xử, xử lý tình huống của người trẻ. Đây chính là yếu tố làm giảm chất lượng và khả năng cạnh tranh của các bạn trong môi trường toàn cầu và cũng là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia làm việc tại Việt Nam đau đầu nhất. Kết quả sơ bộ tại dự án nghiên cứu nói trên cũng ghi nhận, chỉ số thể hiện khả năng kiểm soát cảm xúc (EQ) của nhóm thí sinh chỉ nằm ở mức khoảng trên 30% yêu cầu chung.
Như vậy, nguồn nhân lực trẻ của chúng ta, mặc dù vẫn còn một số hạn chế song nhìn chung là rất giàu tiềm năng. Lực lượng lao động lớn với hàng chục triệu người ở độ tuổi trẻ trung và có năng lực là một nguồn lực vô cùng quý báu cho sự phát triển đất nước nói chung và việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo, một xã hội đổi mới sáng tạo, nói riêng.
Công nghệ có là tất cả?
Trung tâm Nghiên cứu Pew tại Washington, Hoa Kỳ đã đưa ra 15 dự đoán về thế giới năm 2025 trong một nghiên cứu mang tên “Digital Life in 2025”. Một trong 15 dự đoán đó cho rằng Internet vạn vật (IoT), trí thông minh nhân tạo (AI), và khoa học dữ liệu lớn (Big Data) sẽ là 3 công nghệ làm thay đổi hoàn toàn cách thức con người hiểu biết về thế giới và hành vi của bản thân. Vì vậy, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi các nước tiên tiến đã bắt đầu triển khai các công nghệ nói trên vào trường học nhằm chuẩn bị tốt nhất cho các thế hệ tương lai. Đáng chú ý, các xu hướng này không chỉ diễn ra tại Mỹ hay các nước phương Tây, mà ngay tại các nước châu Á, việc triển khai khoa học công nghệ, đặc biệt là AI và Big Data, đang diễn ra cực kỳ mạnh mẽ.
Dự án Các môi trường học sáng tạo (Innovative Learning Environments) nghiên cứu về giáo dục thế kỷ 21 của Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) đã đưa ra một báo cáo đáng chú ý về Bản chất của việc học (The Nature of Learning). Theo đó, 7 nền tảng cốt lõi cho một nền giáo dục hiện đại của thế kỷ 21 hoàn toàn không đề cập đến yếu tố công nghệ. Giải thích về điều này, Giáo sư Jennifer Gross trong bài viết “Technology - Rich Innovative Learning Environments” đã lý giải rằng, trong góc nhìn học thuật của những người nghiên cứu giáo dục, công nghệ vẫn chưa được xem là một đòi hỏi bắt buộc trong giáo dục, mà đơn thuần, đó vẫn chỉ là một công cụ, dù rằng công cụ này có một vai trò to lớn ảnh hưởng đến việc dạy, học, thiết kế giáo trình và xây dựng môi trường học tập.
Tương tự như vậy, nếu chúng ta nhìn vào báo cáo Tương lai các công việc (The Future of Jobs) được Diễn đàn Kinh tế thế giới thực hiện qua khảo sát 350 lãnh đạo thuộc 9 lĩnh vực ngành nghề khác nhau tại 15 nền kinh tế lớn nhất thế giới về một câu hỏi: “Sinh viên, học sinh nên làm gì để thành thạo công việc hiện tại của họ - hoặc chuẩn bị cho công việc tiếp theo?”.
Câu trả lời cho thấy danh sách 10 kỹ năng quan trọng nhất vẫn hoàn toàn tập trung chủ yếu vào những kỹ năng “con người” nhất, như: tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý đội ngũ, khả năng đàm phán, trí thông minh cảm xúc,… Như vậy, cho dù thế giới có phát triển đến đâu, công nghệ có đi xa đến đâu, những kỹ năng và tư duy nền tảng của cả trăm năm qua đều không thể thay thế được.
Chỉ 10% hiểu biết có từ sách vở, trường lớp
Một trong những vấn đề nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều nhất từ cả doanh nghiệp lẫn nhà trường và đặc biệt là sinh viên chính là làm thế nào để mỗi một nhân lực được trang bị đầy đủ trải nghiệm thực tế trước khi chính thức bước vào môi trường chuyên nghiệp.
Tại Diễn đàn Khai phóng năng lực người Việt trẻ vào tháng 9/2018 tại Đại học Fulbright Việt Nam, các nhà giáo dục và các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đã cùng đưa ra một kết luận rằng: “Trong bối cảnh một Chính phủ kiến tạo đang thay đổi mạnh mẽ tại Việt Nam, mang đến không gian kinh tế hội nhập toàn cầu, tinh thần chủ động và khuyến khích tự phát triển, mỗi người trẻ cần bước ra khỏi “vùng an toàn” và tận dụng mọi cơ hội cho việc phát triển bản thân. Kỹ năng và kiến thức không phải hoàn toàn là nghĩa vụ thuộc về riêng nhà trường hay doanh nghiệp, mà chính các bạn trẻ cũng phải là người chịu trách nhiệm tự đào tạo, tự tìm kiếm cơ hội thông qua từng hoạt động nhỏ mà mình tham gia”.
Cho dù ở thời đại công nghiệp 4.0, điều quyết định sự thành công của một công dân trẻ toàn cầu vẫn nằm ở câu chuyện tự học và tự trau dồi các kỹ năng cần thiết. Mô hình 70 - 20 - 10 là một trong những mô hình được nhiều tập đoàn đa quốc gia sử dụng cho đào tạo và phát triển nội bộ. Trong đó, 70% kỹ năng và hiểu biết của con người có được qua làm việc, giao tiếp, xử lý tình huống hàng ngày, 20% được học qua các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, và những người xung quanh, còn 10% được học qua sách vở, trường lớp.