Ảnh minh họa |
Theo dự thảo, ngoài các yêu cầu đối với công lệnh tải trọng, tải trọng tốc độ quy định tại Luật Đường sắt, khi xây dựng, điều chỉnh công lệnh tải trọng, tải trọng tốc độ trên tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị chạy chung với đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng phải đáp ứng các yêu cầu sau:
1. Bảo đảm an toàn công trình, an toàn giao thông vận tải đường sắt;
2. Bảo đảm tải trọng trục, tải trọng rải đều, tốc độ kỹ thuật cho phép của công trình đường sắt ổn định trong kỳ công bố;
3. Hạn chế số lượng điểm biến đổi tốc độ trong một khu gian;
4. Chiều dài mỗi dải tốc độ trên tuyến phải bảo đảm không ngắn hơn 800 m, trừ các điểm chạy chậm cố định;
5. Tải trọng trục, tải trọng rải đều cho mỗi loại đầu máy, toa xe và đoàn tàu quy định như sau: Đối với đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng, phải đồng nhất trong một khu đoạn; đối với đường sắt đô thị chạy chung với đường sắt quốc gia, phải đồng nhất trong suốt đoạn, tuyến chạy chung với đường sắt quốc gia.
Trình tự xây dựng, công bố công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ
Theo dự thảo, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt khi được giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng (doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt) xây dựng dự thảo công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ trên đường sắt quốc gia. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị xây dựng dự thảo công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ của đường sắt quốc gia có đường sắt đô thị chạy chung.
Trước 30 ngày so với ngày dự kiến công bố, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt gửi dự thảo công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ đến Cục Đường sắt Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt liên quan để tham gia ý kiến.
Chậm nhất 10 ngày, kể từ ngày nhận được dự thảo công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ theo quy định, Cục Đường sắt Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt liên quan có ý kiến bằng văn bản và gửi về doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ.
Dự thảo nêu rõ, việc công bố công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ thực hiện theo quy định của Luật Đường sắt; công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ khi được công bố phải gửi đến các cơ quan, tổ chức sau: Cục Đường sắt Việt Nam để thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành đường sắt theo thẩm quyền; các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt, doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị có liên quan để triển khai thực hiện; UBND cấp tỉnh đối với tuyến đường sắt quốc gia có đường sắt đô thị chạy chung để thực hiện quản lý, giám sát theo thẩm quyền.
Công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ phải được công bố công khai trên cổng/trang thông tin điện tử của doanh nghiệp trước tối thiểu 10 ngày so với ngày dự kiến thực hiện.
Chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng xây dựng và công bố công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ trên tuyến đường sắt do mình đầu tư.