Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2022: Thực hiện bằng được “mục tiêu kép”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thực hiện bằng được “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Quyết tâm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Phấn đấu tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022.
Xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH 2022 cần thực hiện bằng được “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Ảnh: Đình Lâm
Xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH 2022 cần thực hiện bằng được “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Ảnh: Đình Lâm

Đây là một trong những nội dung tại Chỉ thị số 20/CT-TTg về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Theo Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, Kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2022-2024.

Trong đó, cần đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2021 đầy đủ, thực chất, chính xác các kết quả đạt được (đặc biệt nêu rõ thành tựu nổi bật của năm 2021), những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân để có biện pháp khắc phục, trong đó có đánh giá các tác động của thiên tai, dịch bệnh như đại dịch COVID-19.

Về Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022, Chỉ thị nêu rõ Kế hoạch được xây dựng trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen, ảnh hưởng, tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Kinh tế và thương mại toàn cầu dự báo tiếp tục phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Cạnh tranh chiến lược, căng thẳng thương mại giữa các nước diễn biến phức tạp. Thiên tai, dịch bệnh ngày càng gia tăng về cả tác động và cường độ... Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa là thời cơ, vừa là thách thức.

Trong nước, tình hình chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân ngày càng tăng lên,... Tuy nhiên, nền kinh tế sẽ phải tiếp tục đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ những yếu kém nội tại của nền kinh tế do chưa hoặc chậm được khắc phục cũng như về già hóa dân số, chênh lệch giàu nghèo, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn…

Trong bối cảnh đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nghiên cứu, xác định các vấn đề cơ bản của Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu là bối cảnh xây dựng kế hoạch; Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022; Mục tiêu chủ yếu và một số cân đối lớn; Các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nghiên cứu, đề xuất các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2022 bảo đảm thống nhất với mục tiêu chung, đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tiễn và trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương và những định hướng lớn.

Đó là, Kế hoạch 2022 phải thực hiện bằng được “mục tiêu kép”; kế thừa và phát huy những kết quả công tác, khí thế thời gian qua; kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Tiếp tục xây dựng Chính phủ và cơ quan hành chính các cấp đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; bám sát thực tiễn, hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Đề cao trách nhiệm giải trình, bảo đảm công khai, minh bạch. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả trong hành động; tiếp tục khơi dậy và thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước.

Thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết, quy định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển KTXH 10 năm 2021-2030 và 5 năm 2021-2025. Chú trọng kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Đẩy mạnh việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh bằng các giải pháp phù hợp; chủ động xử lý hiệu quả những vấn đề tồn đọng kéo dài. Quán triệt chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển KTXH…