Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công 2 vùng phía Bắc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 26/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021 vùng Trung du, miền núi phía bắc (TDMNPB) và Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH). Đây là năm thứ 4 liên tiếp, Bộ KH&ĐT đổi mới phương thức tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công theo vùng.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị

Cách làm theo vùng này được các địa phương đánh giá cao, giúp các địa phương nắm được tình hình chung, chia sẻ thông tin, nâng cao sự phối hợp giữa các địa phương. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa Bộ KH&ĐT với địa phương, cùng nhau tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và thống nhất các giải pháp xây dựng và triển khai Kế hoạch; tạo sự chủ động cho các địa phương, nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu của các các cấp, các ngành, chia sẻ trong công tác điều hành, xây dựng và triển khai kế hoạch trong giai đoạn tới. Cách làm này cũng giúp đảm bảo tập trung, hiệu quả, tiết kiệm.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Hội nghị được tổ chức tại thời điểm hết sức quan trọng, với nhiều nhân tố tác động đến công tác kế hoạch. Đó là các cấp, các ngành, địa phương trong cả nước đang triển khai quyết liệt các giải pháp đề ra để tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác nhằm đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế - xã hội và duy trì tăng trưởng năm 2020 trong điều kiện “bình thường mới”. Các địa phương đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020 và chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ giai đoạn 2020 - 2025, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Các địa phương cần dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021 sát với thực tế và bối cảnh “bình thường mới”. Trong đó, lưu ý phải làm rõ được và chính xác những vấn đề khó khăn, vướng mắc và những tồn tại, hạn chế trong gian đoạn 2016 - 2020 để làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và lập kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Bộ KH&ĐT, 2 vùng ĐBSH và TDMNPB có nhiều tiềm năng, lợi thế, bên cạnh đó cũng còn nhiều hạn chế, thách thức. Vùng ĐBSH là 1 trong 2 đầu tàu của cả nước về xuất khẩu nhưng Vùng chưa đóng góp trong thặng dư cán cân thương mại chung của cả nước. Một số địa phương còn phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI nên nguồn thu ngân sách chưa ổn định (ví dụ nguồn thu của Vĩnh Phúc, Hải Dương phụ thuộc vào một số dự án ô tô, xe máy…). Định hướng phát triển công nghiệp còn chưa rõ nét; cơ bản các địa phương đều định hướng phát triển công nghiệp điện tử, nhưng chỉ có Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh thu hút được các công ty có vốn đầu tư nước ngoài như Samsung, LG, Microsoft, Canon,… và cũng mới dừng lại ở gia công, lắp ráp phần cứng với giá trị gia tăng chưa cao. Đa phần các dự án FDI chủ yếu vào lĩnh vực, ngành tận dụng nhân công giá rẻ, dệt may, giày dép, lắp ráp thiết bị và bất động sản. Vai trò đầu tàu dẫn dắt quá trình phát triển của các trung tâm lớn kinh tế lớn của Vùng như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh chưa rõ nét; mô hình, chính sách quản lý, đầu tư phát triển ở các thành phố này chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa và yêu cầu phát triển mới, sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, vấn đề môi trường đặc biệt là môi trường liên tỉnh (ô nhiễm các lưu vực sông Nhuệ - Đáy), vẫn tiếp tục đặt ra nhiều thách thức với phát triển của vùng. Xu hướng đô thị hóa ngày càng tăng, tỷ lệ tăng dân số cơ học cao nhất cả nước nên tạo sức ép lớn về tình trạng quá tải của hệ thống hạ tầng, ùn tắc giao thông (Hà Nội), hạ tầng xã hội.

Đối với Vùng TDMNPB, Bộ KH&ĐT chỉ ra một số khó khăn như địa hình đồi núi phức tạp, chia cắt, xa các trung tâm lớn; thường xuyên chịu ảnh hưởng lớn của thiên tại, biến đổi khí hậu (lũ quét, sạt lở); hạ tầng giao thông thiếu và yếu (chủ yếu đường bộ, đường sắt chỉ có 1 tuyến lạc hậu, kém cạnh tranh là Hà Nội - Lào Cai, 1 sân bay quy mô nhỏ (Điện Biên Phủ) và 1 tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai; thiếu những khu sản xuất quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao, nông nghiệp hữu cơ (chưa gắn với sản xuất chế biến và tiêu thụ); điều kiện về kết cấu hạ tầng gồm cả hạ tầng “cứng” và “mềm” còn hạn chế nên gặp khó khăn thu hút đầu tư, không có dự án quy mô lớn (trừ Lào Cai). Đây cũng là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị từ nhận thức đúng đắn được vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế và cả các hạn chế, thách thức của các vùng, đặc biệt là đặt trong bối cảnh hiện nay và bối cảnh của 5 năm tới là hết sức quan trọng để từ đó đề ra các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, hiệu quả, toàn diện, “trúng và đúng” trong năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ KH&ĐT tổ chức các Hội nghị trực tuyến với 3 miền Bắc, Trung, Nam với 6 vùng trong cả nước nhằm trao đổi, thảo luận, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021. Hội nghị Vùng ĐBSH và Vùng TDMNPB hôm nay là Hội nghị đầu tiên.

Ngày 27/8/2020, Bộ KH&ĐT tiếp tục làm việc với Vùng Miền Trung và Vùng Tây Nguyên; ngày 31/8/2020 làm việc với Vùng Đông Nam Bộ và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ KH&ĐT, mục tiêu tổng quát Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 đối với vùng ĐBSH là xây dựng vùng trở thành vùng dịch vụ, công nghiệp hiện đại; trọng điểm phát triển kinh tế biển, trung tâm dịch vụ logistics, trung tâm đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ của cả nước xứng đáng là một trong hai đầu tàu phát triển năng động toàn diện; phát triển nhanh và bền vững theo hướng xanh, thông minh và đổi mới, sáng tạo, có sức cạnh tranh quốc tế.

Đối với vùng TDMNBB, phấn đấu duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng ở mức cao hơn bình quân chung của cả nước; đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối nội vùng và liên vùng để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc phòng, tương xứng với vị trí chiến lược quan trọng của vùng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh biên giới.

Dự kiến tốc độ tăng GRDP Vùng ĐBSH giai đoạn 2021 - 2025 đạt 9 - 9,2%; vùng TDMNPB dự kiến 8 - 9%.

Tin cùng chuyên mục