Nhà nước tạo môi trường ổn định, thuận lợi và phục vụ cho sự phát triển chung của toàn xã hội là một xu thế, đòi hỏi cấp thiết trong giai đoạn tới. Ảnh: Lê Tiên |
Đó là việc đầu tiên mà ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nêu ra trong một danh sách khá nhiều những việc cần làm để thực hiện được nhiệm vụ đầy thách thức – chuyển từ một Nhà nước thiên về sở hữu, kiểm soát sang Nhà nước kiến tạo và điều tiết.
Chưa thực hiện được vai trò kiến tạo
Nhà nước kiến tạo theo ông Nguyễn Đình Cung là Nhà nước phải có mục tiêu phát triển rõ ràng, vì dân, Nhà nước dẫn dắt và thúc đẩy toàn xã hội hướng tới mục tiêu phát triển đó.
Quản lý nhà nước của Việt Nam theo ông Cung là thiên về kìm cương phát triển hơn là kiến tạo phát triển. Nhà nước coi mình là chủ thể quản lý và người dân, doanh nghiệp là đối tượng quản lý; quan hệ theo thứ bậc bề trên hơn là đối tác phát triển bình đẳng. Nhà nước đang chèn lấn, thay vì bổ sung, hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển.
Ông Cung cho rằng, chúng ta đang quản lý theo kiểu năng lực của Nhà nước đến đâu cho người dân làm đến đó, biết đến đâu cho làm đến đấy, không phải quản lý vì phát triển. Ông Cung nói có hàng trăm ví dụ về chuyện này mà “có kể cả ngày cũng không hết”. Một ví dụ mới là việc làm Luật Quy hoạch, rất đổi mới, bỏ rất nhiều quy hoạch ngành, sản phẩm là những bản quy hoạch mà Nhà nước can thiệp đến cả việc sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu, ở đâu, thậm chí cho ai làm việc đấy. Đó là những quy hoạch trái với kinh tế thị trường, phải bỏ, nhưng nhiều ý kiến lại lo ngại bỏ thì phải sửa nhiều luật. “Vì mục tiêu phát triển thì dù làm lại bao nhiêu luật cũng phải làm”, ông Cung nêu quan điểm.
Hay chính sách di cư nông thôn - đô thị cũng được Viện trưởng CIEM nêu ra như một ví dụ cho quản lý theo kiểu kìm hãm phát triển. Ở Hàn Quốc, chính sách di cư không xuất phát từ khả năng tiếp nhận của đô thị mà xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế. Nhà nước quản theo yêu cầu phát triển để tạo cơ hội và mở rộng tiềm năng phát triển và di cư là cứu cánh cho chuyển đổi cơ cấu kinh tế của đất nước này. Còn Việt Nam hoàn toàn ngược lại, hạn chế nhập cư đô thị vì lo sợ không quản được.
Ông Cung chỉ ra rất nhiều nguyên nhân khiến Nhà nước chưa thực hiện được vai trò kiến tạo. Trong đó, đầu tiên là bộ máy quản lý hiện nay không còn phù hợp trong kinh tế thị trường, thiếu tầm nhìn dẫn dắt sự phát triển. Nguồn lực nhà nước không được phân bổ và sử dụng theo nguyên tắc thị trường, mệnh lệnh và can thiệp hành chính quá mức làm sai lệch và kém hiệu quả phân bổ nguồn lực. Chế độ làm việc tập thể kéo dài khiến cho bộ máy, các quy trình ra quyết định và điều hành, thực thi chưa minh bạch và chưa có trách nhiệm giải trình.
Làm rõ vai trò của Nhà nước và thị trường
Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang đứng trước những thách thức mới làm sao vượt qua bẫy thu nhập trung bình, không rơi vào tụt hậu, cần thiết phải có sự thay đổi trong quản lý nhà nước. Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, chuyển từ phương thức Nhà nước là chủ yếu sang Nhà nước tạo môi trường ổn định, thuận lợi và phục vụ cho sự phát triển chung của toàn xã hội và toàn nền kinh tế là một xu thế, đòi hỏi cấp thiết trong giai đoạn tới.
Làm sao để có Nhà nước kiến tạo? Lời giải đầu tiên cho câu hỏi này, theo ông Bùi Quang Vinh là cần phải xác định rõ “bàn tay” của Nhà nước đến đâu, phải làm rõ vai trò của Nhà nước và thị trường, giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào các hoạt động kinh tế; đảm bảo nguyên tắc thị trường trong các quyết định của Nhà nước; tăng cường sự đảm bảo về quyền tài sản, thực thi cạnh tranh... Song hành với đó phải có cơ chế kiểm soát quyền lực, tránh lạm quyền trong bộ máy lập pháp, hành pháp, tư pháp, nâng cao tiếng nói của người dân trong hoạch định chính sách và kiểm soát quyền lực Nhà nước.
Đồng tình với quan điểm này, ông Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhận định, cơ chế kiểm soát quyền lực hiện nay chưa hiệu quả. Tùy tiện, lạm quyền, tiêu cực trong thực thi quyền lực công là vấn đề lớn. Ông Liên cho rằng, trách nhiệm tập thể, trách nhiệm cá nhân không rõ ràng, trách nhiệm tập thể là nơi ẩn nấp hiệu quả cho trách nhiệm cá nhân, cần đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Ông Liên cho rằng, phải xác định rõ vai trò của Nhà nước trong mối quan hệ với thị trường. Nhà nước đang trực tiếp tham gia hoạt động kinh tế quá nhiều thông qua doanh nghiệp nhà nước, khu vực tư nhân có quan hệ thân hữu, thông qua phân bổ các nguồn lực.
Theo ông Liên, Nhà nước kiến tạo phải là Nhà nước vì dân thực sự, không có tham nhũng, bảo đảm quyền dân chủ. Để làm được vai trò kiến tạo đầu tiên phải nâng cao năng lực của Nhà nước. Bộ máy Nhà nước hiện nay quá cồng kềnh, không xây dựng trên cơ sở thực tài mà vẫn bị chi phối bởi nhiều quan hệ. Thứ hai, công tư phải rõ ràng, Nhà nước thực hiện quyền lực công phải vì lợi ích công. Thứ ba, phải xây dựng và thực thi pháp luật nghiêm túc, đảm bảo chính sách tốt được thực thi hiệu quả.