6 tháng đầu năm, lực lượng thanh tra Sở Xây dựng phối hợp với cơ quan chức năng đã cưỡng chế, phá dỡ 183 công trình vi phạm. Ảnh: Trần Quý |
31 cán bộ, công chức của Thanh tra Sở bị xem xét trách nhiệm do vi phạm trong công tác quản lý, để xảy ra một số công trình vi phạm trật tự nghiêm trọng. Trong đó, buộc thôi việc 2 trường hợp, cảnh cáo 3 trường hợp, giáng chức 2 trường hợp, khiển trách 11 trường hợp. Hiện, Sở đang tiếp tục xem xét trách nhiệm đối với 13 cán bộ.
Trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng Thanh tra Sở Xây dựng đã kiểm tra trên 10.000 công trình, lập hồ sơ vi phạm 1.592 trường hợp. 100% trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đã được thiết lập hồ sơ vi phạm, đề xuất biện pháp xử lý và được chuyển đến UBND các cấp để xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Đáng chú ý, số tiền xử phạt vi phạm từ các công trình tăng 82% so với cùng kỳ năm 2015, tổng thu đạt trên 13 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 6, UBND các cấp đã xử lý vi phạm được 980 trường hợp, trong đó, cưỡng chế, phá dỡ 183 trường hợp; chủ đầu tư tự khắc phục 683 trường hợp; hòa giải, bồi thường 6 trường hợp; cấp bổ sung, điều chỉnh giấy phép xây dựng 108 trường hợp; đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 612 trường hợp.
Trong 6 tháng đầu năm, Thành ủy, UBND TP đã có 67 văn bản chỉ đạo yêu cầu Thanh tra Sở Xây dựng làm rõ các vụ việc vi phạm, trong đó có nhiều vụ việc kéo dài như: Vụ vi phạm tại chung cư 93 Lò Đúc; số 8B Lê Trực; 302 Cầu Giấy; 99 Trần Bình; 16, 18 Phạm Hùng...
Đánh giá về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP trong thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong thừa nhận, mọi địa phương đều diễn ra vi phạm trật tự xây dựng, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Tuy nhiên, việc “song trùng” chức năng quản lý, điều hành lực lượng thanh tra đang gây nhiều khó khăn cho công tác giữ gìn trật tự xây dựng.
Theo phân công, phân cấp hiện nay, thanh tra xây dựng tại các quận huyện, phường xã đều trực thuộc Sở. Thanh tra chỉ có chức năng kiểm tra, thiết lập hồ sơ, đề xuất hình thức, biện pháp xử lý; còn chức năng thực hiện lại do chính quyền địa phương.
Để xóa bỏ bất cập này, Thành ủy, UBND TP đã có quyết định, từ tháng 7/2016, lực lượng thanh tra xây dựng tại các địa phương sẽ đưa về trực thuộc quyền quản lý của UBND các quận, huyện, thị xã.
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, tới đây khoảng 1.500 thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã sẽ chỉ tập trung đảm trách công tác giữ gìn trật tự xây dựng, vừa phát hiện, kiểm tra, vừa xử lý vi phạm. Sở Xây dựng chỉ giữ lại trên 90 người để theo dõi các công trình do Sở cấp phép cùng mọi hoạt động liên quan đến vệ sinh môi trường quanh các công trình.
“Kể từ thời điểm 1/7/2016, địa bàn nào để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến uy tín của TP sẽ đình chỉ thanh tra phụ trách trước rồi mới điều tra, làm rõ sau” - Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục chỉ đạo.
Đây là một trong những động thái quyết liệt, nghiêm túc của Sở Xây dựng nhằm hạn chế, tiến tới xóa bỏ hiện tượng vi phạm kỷ luật, buông lỏng công tác chuyên môn của một bộ phận cá biệt thanh tra xây dựng thời gian qua.
Sở cũng yêu cầu lực lượng thanh tra đẩy mạnh công tác, ngăn ngừa, xóa bỏ nhà siêu mỏng, siêu méo, chống phát sinh sai phạm mới, giải quyết các tồn tại cũ một cách triệt để.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục đã yêu cầu thanh tra xây dựng tập trung kiểm tra, lập hồ sơ những sai phạm trong việc quản lý, sử dụng nhà công vụ, tầng 1 các nhà chung cư và nhà tái định cư.