Xét xử hot girl ngân hàng chiếm đoạt 50 tỷ: Các khách hàng cũng có lỗi?

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ngân hàng Eximbank trong vụ án cho rằng, các khách hàng đã không thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng dân sự đã được thiết lập với ngân hàng. Do vậy, các khách hàng này cũng phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại trong vụ việc.
Nguyễn Thị Lam (hàng đầu, ở giữa) và các đồng nghiệp tại Eximbank tại phiên tòa
Nguyễn Thị Lam (hàng đầu, ở giữa) và các đồng nghiệp tại Eximbank tại phiên tòa

Ngày 6/7, phiên tòa xét xử Nguyễn Thị Lam (SN 1987, trú xã Yên Sơn, Đô Lương, Nghệ An) – nguyên nhân viên Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương – bị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tiếp tục phần tranh luận.

Đại diện Ngân hàng Eximbank và luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của ngân hàng này khẳng định, phía ngân hàng không chối bỏ trách nhiệm của mình đối với khách hàng. Tuy nhiên cần phải xem xét, đánh giá trách nhiệm của các khách hàng trong vụ việc.

Theo luật sư Nguyễn Hồng Hà, quan hệ giữa Ngân hàng Eximbank và các khách hàng là quan hệ được xác lập dựa trên hợp đồng dân sự. Các bên phải tuân thủ đúng và đầy đủ nghĩa vụ với các điều khoản hợp đồng đã ký. Ngân hàng và khách hàng phải bình đẳng với nhau trước pháp luật.

Trong vụ án này một số khách hàng đã có lỗi khi ký khống và ký không kiểm soát các lệnh chi, ủy nhiệm chi. Việc khách hàng ký khống theo yêu cầu của bị cáo Nguyễn Thị Lam tức là đã vi phạm các điều khoản hợp đồng mà khách hàng đã ký kết với ngân hàng.

Việc các khách hàng buông lỏng quản lý tài khoản của mình, ký khống các ủy nhiệm chi, lệnh chi mà không đọc kỹ là yếu tố quan trọng và chủ yếu để bị cáo Lam thực hiện hành vi phạm tội. Các nhân viên ngân hàng này hoàn toàn không thể biết được các giấy tờ mà bị cáo Lam mang về là ủy nhiệm chi đã được ký khống hay hợp lệ. Việc rút tiền gửi tiết kiệm đã bỏ qua 1 số yếu tố là có sai phạm nhưng về mặt hình thức của các lệnh chi và ủy nhiệm chi thì đã đầy đủ thông tin và chữ ký của khách hàng.

Xét xử hot girl ngân hàng chiếm đoạt 50 tỷ: Các khách hàng cũng có lỗi? ảnh 1

Luật sư Nguyễn Hồng Hà - bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng Eximbank cho rằng việc các khách hàng ký khống và ký không kiểm soát các lệnh chi, ủy nhiệm chi là vi phạm điều khoản cam kết trong hợp đồng dân sự được thiết lập với ngân hàng, vi phạm pháp luật và tạo cơ hội để bị cáo Nguyễn Thị Lam thực hiện hành vi phạm tội của mình

Việc các khách hàng ký khống và ký không kiểm soát là vi phạm cam kết và các điều khoản hợp đồng ký kết giữa hai bên. Luật sư Nguyễn Hồng Hà cũng viện dẫn các quy định chứng minh việc ký khống hay ký không kiểm soát của khách hàng cũng là hành vi vi phạm pháp luật

“Nếu các khách hàng không thực hiện đúng quy định của mình, không có trách nhiệm trong việc bảo vệ tài sản của mình, tạo điều kiện cho kẻ xấu lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho các bên kí kết hợp đồng thì các khách hàng cũng phải chịu trách nhiệm”, luật sư Hà nhấn mạnh.

Ông Hà cho rằng khách hàng phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại do không tuân thủ hợp đồng; việc không xem xét trách nhiệm của khách hàng là tạo tiền lệ xấu bởi việc ký khống, ký không kiểm soát của khách hàng không chỉ gây thiệt hại cho ngân hàng Eximbank mà còn ảnh hưởng tới toàn hệ thống ngân hàng. Ông Hà đề nghị HĐXX phân tích, xem xét, đánh giá trách nhiệm của từng khách hàng liên quan.

Luật sư của Ngân hàng Eximbank cũng cho rằng cơ quan cảnh sát điều tra và Viện KSND tỉnh Nghệ An chưa xác định chính xác số tiền Lam chiếm đoạt. Theo cáo trạng, tổng số tiền mà bị cáo Lam chiếm đoạt của 6 khách hàng là hơn 50 tỷ đồng, bị cáo đã khắc phục được hơn 5 tỷ đồng nên phải chịu trách nhiệm hình sự cho số tiền hơn 45 tỷ đã chiếm đoạt.

Luật sư đưa ra các bằng chứng thể hiện một số khoản tiền đã được các khách hàng nhận từ Lam như tiền khuyến mãi, tiền lãi, khoản vay ngắn hạn… với tổng số tiền 6,7 tỷ đồng. Do vậy, số tiền mà bị cáo Lam chiếm đoạt là 38,7 tỷ đồng chứ không phải là 45 tỷ đồng như cáo trạng nêu.

Xét xử hot girl ngân hàng chiếm đoạt 50 tỷ: Các khách hàng cũng có lỗi? ảnh 2

Đại diện Ngân hàng Eximbank tại phiên tòa khẳng định ngân hàng không phủi bỏ trách nhiệm nhưng cũng cần xem xét đánh giá trách nhiệm của các khách hàng trong vụ việc

Trong quá trình xét hỏi công khai, khách hàng Võ Thị Hương thừa nhận khai nhận bị cáo Lam đã nộp 6 tỷ 50 triệu vào tài khoản không kỳ hạn của bà Hương. Số tiền này lấy từ sổ tiết kiệm của khách hàng Nguyễn Tiến Nam.

Tương tự, khách hàng Nguyễn Thị Kiều Hương cũng được nhận 900 triệu đồng mà Lam lấy từ tài khoản tiết kiệm của ông Nam. Đây là tiền bị cáo Lam phạm tội mà có, do đó luật sư đề nghị HĐXX tuyên buộc bà Võ Thị Hương và bà Nguyễn Thị Kiều Hương phải hoàn trả số tiền này cho Eximbank.

Nhân viên Eximbank đã có sai sót khi bỏ qua một số bước trong các quy chế, quy trình rút tiền gửi tiền tiết kiệm của khách. Bởi vậy Eximbank vẫn phải gánh chịu trách nhiệm tương ứng đối với thiệt hại do nhân viên gây ra chứ không phải là tất cả thiệt hại nhưng cáo trạng đã nêu.

Đại diện ngân hàng Eximbank cũng mong muốn khách hàng cùng với ngân hàng có trách nhiệm trong việc bảo vệ tài sản của chính mình bằng cách yêu cầu các nhân viên ngân hàng làm đúng, không chấp nhận việc bỏ qua bất cứ quy trình nào để không xảy ra vụ án tương tự. Vị đại diện này cũng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho 15 bị cáo bị truy tố tội “Cố ý làm trái các quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” vì bản thân các nhân viên này không được hưởng bất cứ lợi ích nào từ hành vi phạm tội của Nguyễn Thị Lam.

Tin cùng chuyên mục