Xin ý kiến thẩm định dự thảo Nghị định thay thế Nghị định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau khi tập hợp báo cáo của các bộ, ngành địa phương về những bất cập liên quan đến thể chế, quy trình, thủ tục và pháp luật hiện hành trong công tác quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 56/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện, Bộ KH&ĐT vừa hoàn tất Dự thảo Nghị định thay thế, gửi Bộ Tư pháp xin ý kiến thẩm định.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Thời gian thực hiện dài, chồng chéo về thủ tục

Năm 2020, bối cảnh quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các đối tác phát triển có nhiều thay đổi, đặc biệt sau khi Việt Nam tốt nghiệp các khoản vay ODA với các điều kiện vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (2018) và Ngân hàng Phát triển châu Á (2019), đồng thời hệ thống pháp luật liên quan đến công tác quản lý và sử dụng vốn ODA (QL&SDV ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài có những thay đổi, Đảng và Nhà nước có các chủ trương, chính sách mới về huy động, QL&SDV ODA. Chính phủ đã ban hành Nghị định 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 với mục tiêu giải quyết các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn triển khai trong QL&SDV ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Tuy nhiên, trên cơ sở tổng hợp báo cáo của 8 bộ, cơ quan trung ương và 27 địa phương, một số bất cập liên quan đến thể chế, quy trình, thủ tục và pháp luật hiện hành trong công tác QL&SDV ODA, vốn vay ưu đãi đã được bộc lộ.

Đơn cử, việc hoàn thành quy trình, thủ tục từ bước đề xuất dự án đến khi ký hiệp định mất nhiều thời gian; thông thường để thực hiện 1 dự án phải mất từ 2 - 3 năm cho công tác hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Ngoài ra, chưa có hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương phân biệt rõ chi đầu tư và chi thường xuyên trong các dự án vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong quá trình thực hiện Chị thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Việc thay đổi như gia hạn thời gian thực hiện dự án, tương ứng với đó là gia hạn giải ngân các hiệp định phải thực hiện thành 2 quy trình nối tiếp nhưng đều do Bộ Tài chính xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, dẫn tới kéo dài thời gian thực hiện, chồng chéo về thủ tục; hồ sơ, quy trình, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư phức tạp, gây khó khăn trong quá trình điều chỉnh…

Lý giải nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên, Bộ KH&ĐT cho biết, do nhận thức phải quản lý chặt chẽ nguồn vốn vay nước ngoài trong bối cảnh mới nên một số quy trình, thủ tục còn phức tạp, cứng nhắc, chưa thực sự phân cấp mạnh mẽ cho cơ quan chủ quản, chủ dự án và ban quản lý dự án. Việc quán triệt và tổ chức thực hiện chưa tốt, chưa đạt được sự thống nhất cao trong nhận thức; một số nội dung chưa được hướng dẫn rõ ràng…

Do đó, công tác QL&SDV ODA, vốn vay ưu đãi cần có khung pháp lý mới để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và phù hợp với các quy định của hệ thống pháp luật liên quan đến công tác QL&SDV ODA, vốn vay ưu đãi; đổi mới công tác quản lý, đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phân cấp; bổ sung các nội dung mới xuất phát từ các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước và xu thế mới trong quan hệ hợp tác phát triển của các nhà tài trợ với Việt Nam.

Thêm quy định mới về doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi

Thực hiện chỉ đạo được giao, Bộ KH&ĐT đã dự thảo xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2020/NĐ-CP trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các cơ quan Việt Nam và nhà tài trợ nước ngoài.

Dự thảo Nghị định gồm 10 Chương, 100 Điều và 10 Phụ lục với những điểm mới như: bổ sung một số thuật ngữ, khái niệm mới có cách hiểu khác nhau; bổ sung “Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp” vào danh sách cơ quan chủ quản; làm rõ khái niệm chi đầu tư và chi thường xuyên trong các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài…

Ngoài ra, Dự thảo Nghị định bổ sung nguyên tắc áp dụng cơ chế tài chính trong nước đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn viện trợ không hoàn lại; bổ sung quy trình, thủ tục tiếp nhận các khoản viện trợ khẩn cấp; quy định cụ thể hơn phương thức “hỗ trợ ngân sách chung” và “hỗ trợ ngân sách có mục tiêu” để giải quyết một số vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện phương thức này trong thời gian qua.

Riêng nội dung doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài là chương mới của Nghị định với những quy định về: lĩnh vực sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; trình tự, thủ tục phê duyệt, hồ sơ đề xuất chương trình, dự án; thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện; thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định đầu tư dự án; đàm phán, ký điều ước quốc tế và thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi; ký hợp đồng cho vay lại, hợp đồng ủy quyền cho vay lại; điều chỉnh dự án.

Đồng thời, cũng quy định lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch vốn đầu tư nguồn vốn nước ngoài cho dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi thực hiện theo quy định của Luật Quản lý nợ công và các nội dung khác liên quan đến công tác quản lý, tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá, chế độ báo cáo thực hiện theo quy định hiện hành…

Tin cùng chuyên mục