Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Bên hành lang Quốc hội, phóng viên Báo Đấu thầu đã có trao đổi với đại biểu Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về nội dung này.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, nhiều đại biểu nêu lên quan ngại về chất lượng của các báo cáo đánh giá tác động môi trường và hiệu quả của các báo cáo này. Quan điểm của ông về những báo cáo này như thế nào?
Liên quan đến một số dự án hiện nay, tuy báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt nhưng khi dự án đi vào vận hành vẫn xảy ra sự cố. Điều này cho thấy nhiều báo cáo đánh giá tác động môi trường được lập và phê duyệt không thực chất. Trong khi đó, vấn đề đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp (DN) cũng có vấn đề, nên rất khó để luật pháp có thể kiểm soát được hết. Nếu DN cố tình vi phạm thì không bộ, ngành nào quản được hết. Nên tôi cho rằng, trong vấn đề tác động môi trường của các dự án, phải có biện pháp xử lý thật mạnh những DN cố tình vi phạm.
Vừa qua, các chế tài xử lý DN vi phạm môi trường đã được đặt ra, Luật Bảo vệ môi trường đã có những quy định cho nội dung này. Trước đây, chúng ta chỉ đánh giá tác động môi trường 1 lần và thiên về hậu kiểm nhiều, giờ một số dự án có tác động lớn, đặc biệt thì sẽ phải có 2 bước đánh giá tác động môi trường. Trong đó, bước đầu tiên là đánh giá về sơ bộ, xem dự án có đầu tư được không thì mới cho DN làm.
Formosa được coi như là thảm hoạ môi trường mà Việt Nam chưa bao giờ gặp. Vì mới được bổ nhiệm là người đứng đầu Bộ TN&MT nên Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chưa thể bao quát được hết, tuy nhiên với trách nhiệm Bộ trưởng nhận như thế, tôi cho là thoả đáng. Việc mà Bộ trưởng nêu, tôi cho rằng ngoài trách nhiệm của bộ thì địa phương cũng phải đặt ra, ở địa phương phải có người chịu trách nhiệm. Còn nếu trách nhiệm tập thể như vậy thì chưa rõ. Nếu không xác định rõ trách nhiệm thì khó mà khắc phục, xử lý được.
Còn việc Bộ trưởng đánh giá môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung đã an toàn, theo tôi cần phải nói rõ đã an toàn ở mức độ nào (ví dụ là khá an toàn, hay mức độ nào đó). Còn môi trường trở lại như cũ thì tôi khẳng định là chưa thể, vì sự cố vừa qua đã ảnh hưởng đến cả môi trường sinh thái, rặng san hô dưới đáy biển…, không chỉ một sớm một chiều mà khắc phục được ngay.
Dự án Formosa sản xuất thép công nghiệp, Dự án Thép Cà Ná tại Ninh Thuận cũng dự định sản xuất thép công nghiệp. Tại sao chúng ta lại cần thêm một dự án thép nữa, trong khi nếu Formosa đi vào hoạt động đã đáp ứng thừa nhu cầu thép của Việt Nam?
Dự án Thép Cà Ná trước đây đã có quy hoạch. Vừa qua, Tập đoàn Tôn Hoa Sen muốn làm dự án này. Thực tế Thép Cà Ná chủ yếu nặng về thép hình, thép chế tạo. Mặc dù sản lượng thép của Formosa hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu, nhưng nhà đầu tư lại có cam kết sẽ xuất khẩu 80 - 90% ra nước ngoài chứ không phải bán ở trong nước. Hiện thép xây dựng tại thị trường trong nước đã rất nhiều, nhưng thép chế tạo thì chúng ta vẫn đang thiếu nên phải nhập của Trung Quốc và một số nước.
Hơn nữa, Tập đoàn Tôn Hoa Sen là DN trong nước. Chủ trương của Bộ Công Thương là muốn tăng cường phát triển DN trong nước. Nếu DN trong nước lớn lên được thì ngân sách sẽ có thêm nguồn thu. Thêm nữa, nếu có vấn đề gì xảy ra thì chúng ta vẫn có thể chủ động về thép, ngành xương sống của nền kinh tế.
Trước những lo ngại về môi trường, ông có lưu ý gì đối với Dự án Thép Cà Ná?
Dự án Thép Cà Ná cần phải nghiên cứu kỹ, tôi quan tâm nhất là công nghệ. Phải lựa chọn công nghệ, làm sao không ảnh hưởng tới môi trường. Các nhà máy thép trên thế giới thường gần cảng, gần môi trường nước để thuận tiện sản xuất, vận chuyển. Những tác động tiêu cực đến môi trường người ta khắc phục được, mình cũng cần phải khắc phục được. Điều quan trọng nhất là việc kiểm soát. Tới đây, khi sửa Luật Công nghệ, phải làm sao chống được việc đưa công nghệ lạc hậu vào trong nước, biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ.
Bản thân Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng rất quan tâm đến dự án này, và đã có những cảnh báo với Bộ Công Thương, cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề liên quan đến Dự án.
Còn việc có cần thiết hay không, Chính phủ sẽ cân đối, nếu cần thiết mà theo quy hoạch dài hạn thì phải đầu tư, phụ thuộc vào tính khả thi và việc lựa chọn công nghệ của Dự án. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng cần lưu ý là khu vực Ninh Thuận rất thiếu nước, mà sản xuất thép thì rất tốn nước. Bên cạnh đó, sản xuất thép cũng rất tốn điện, trong khi hiện nay năng lượng điện cũng đang có vấn đề. Một dự án mà sử dụng quá nhiều năng lượng điện cũng sẽ ảnh hưởng đến môi trường.