Vẫn còn hơn 30 DN tại 5 bộ và 8 tỉnh/thành phố chưa thực hiện chuyển giao về SCIC |
“Siêu” Ủy ban vừa nhận chuyển giao 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có những DN đang thực hiện CPH, thoái vốn nhà nước. Theo ông, việc hoàn thành mục tiêu CPH, thoái vốn DN có phải là áp lực lớn đối với cơ quan này không?
Phải nhìn nhận là “siêu” Ủy ban đang có áp lực lớn hoàn thành nhiệm vụ được giao, đó là nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nhà nước (DNNN). Trước đây, khi Ủy ban chưa được thành lập thì có 5 bộ làm nhiệm vụ này, nhưng nay đã thu về một mối giao cho Ủy ban. Rõ ràng việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại DN đang đặt một áp lực rất lớn lên Ủy ban.
Bên cạnh thách thức, khi các DN thu về một mối thì đây chính là cơ hội để Ủy ban nâng cao tính chuyên nghiệp, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN hiệu quả hơn, thay vì phân tán như trước.
Hơn nữa, trong Ủy ban còn có Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng thực hiện nhiệm vụ sắp xếp, CPH, bán vốn nhà nước đầu tư tại DN được chuyển giao. Tại đây, các tập đoàn, tổng công ty sẽ tập trung thoái vốn, CPH trong lĩnh vực hoạt động của họ. SCIC là tổ chức chuyên nghiệp làm công tác thoái vốn công khai, minh bạch…, vì thế sẽ giúp Ủy ban đẩy nhanh tiến độ CPH, thoái vốn nhà nước tại DN.
Có nghĩa là ông không lo lắng về tiến độ?
Tiến độ không phải là vấn đề quan trọng nhất. Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN vừa diễn ra chính là dịp để các bộ, ngành báo cáo tình hình thực hiện, nếu không thoái vốn được tại các DN nắm giữ thì phải bàn giao sớm về cho SCIC để làm nhiệm vụ thoái vốn. Trong quá trình đó, chúng ta thực hiện một cách công khai, minh bạch, không vội vàng. Thoái vốn phải hiệu quả. Điều này thể hiện rõ từ năm 2014 đến nay, hoạt động thoái vốn đã hiệu quả hơn. Số tiền thu về sau thoái vốn đều lớn hơn giá trị sổ sách. Điều này đồng nghĩa với việc đồng vốn nhà nước hiệu quả hơn, thu về cho DN để DN tái đầu tư…
Trong một phát biểu mới đây, Chủ tịch SCIC chia sẻ rằng khá chạnh lòng khi so sánh tốc độ chuyển giao DN về “siêu” Ủy ban với SCIC. Ông nghĩ sao về điều này?
Đúng thế! Nhiều năm qua, mặc dù đã có quy định của Chính phủ nhưng số DN chuyển giao về SCIC còn rất khiêm tốn. Hiện vẫn còn hơn 30 DN tại 5 bộ, 8 tỉnh/thành phố thuộc diện bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC nhưng chưa thực hiện bàn giao. Tình trạng chậm trễ này có phần trách nhiệm lớn của các bộ, ngành quản lý.
Với tình trạng “chây ì” như vậy, hình thức xử lý sẽ như thế nào, thưa ông?
Nên có hình thức xử lý hành chính thật nghiêm. Về vấn đề này, trong Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Tài chính xây dựng về tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DNNN và DN có vốn nhà nước đã có kiến nghị rõ ràng.
Theo đó, chúng tôi sẽ kiến nghị xử lý nghiêm một số trường hợp điển hình để làm gương. Cụ thể, chúng ta có thể xử lý bằng cách chức, kỷ luật đối với lãnh đạo các đơn vị liên quan để xảy ra tình trạng chậm trễ này. Còn đối với các DN có khả năng không hoàn thành kế hoạch vì lý do khách quan cần kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các khó khăn, vướng mắc để xem xét, giải quyết. Nếu DN không thoái thì phải chịu trách nhiệm, hoặc không thì phải bàn giao cho người khác chuyên nghiệp hơn.