Sau một vài lần xử lý vi phạm, người dân đã có ý thức tốt hơn trong giao dịch ngoại hối. Ảnh: Minh Dũng |
Theo Nghị định 88, từ ngày 31/12/2019, các hành vi mua, bán ngoại tệ giữa các cá nhân với nhau; mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ trong trường hợp số tiền mua, bán dưới 1.000 USD sẽ chỉ bị phạt cảnh cáo.
Ngoài ra, mức phạt cảnh cáo cũng áp dụng cho hành vi thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị dưới 1.000 USD hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương không đúng quy định của pháp luật.
Trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần, 3 nhóm hành vi trên sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Các hành vi giao dịch có giá trị từ 1.000 USD đến dưới 10.000 USD sẽ chịu mức xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Mức phạt này cũng được áp dụng đối với hành vi thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 1.000 USD đến dưới 10.000 USD (hoặc ngoại tệ khác) không đúng quy định của pháp luật.
Nếu giá trị giao dịch bằng ngoại tệ từ 10.000 đến dưới 100.000 USD, mức phạt mới là 20 - 30 triệu đồng. Mức phạt cao nhất với 3 nhóm hành vi này là 80 - 100 triệu đồng với giá trị mua, bán, thanh toán ngoại tệ trên 100.000 USD hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương không đúng quy định pháp luật.
Về quy định mới này của Ngân hàng Nhà nước, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico bình luận: “Việc sửa các nội dung về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh ngoại hối là phù hợp hơn với quy định cũ. Đáng chú ý, mức phạt vi phạm hành chính với giao dịch ngoại tệ từ 1.000 USD trở lên được giảm nhẹ và chia theo từng mức độ vi phạm là hợp lý. Trong khi đó, chỉ phạt cảnh cáo với giao dịch dưới 1.000 USD là không đáng kể, theo tôi, kể cả giao dịch dưới 1.000 USD cũng cần phải phạt tiền, nhưng chỉ phạt ít để có tính răn đe”.
Theo ông Đức, sau một vài lần xử lý vi phạm trong thời gian qua, người dân đã có ý thức tốt hơn trong giao dịch ngoại hối, tuy nhiên vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm một cách kín đáo hơn. “Điều đáng quan ngại là khả năng quản lý và giám sát việc thực thi các quy định này. Theo tôi, không dễ giám sát đến từng giao dịch của người dân và doanh nghiệp hàng ngày”, ông Đức nhận xét.
Ngoài ra, Nghị định 88 có quy định: “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm: Giao dịch, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận, niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hoá, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật”.
Theo ông Đức, quy định này cũng rất khó có thể giám sát thực thi. “Chuyện giao dịch, thanh toán, quảng cáo bằng ngoại tệ là đáng phạt nhưng còn báo giá, thỏa thuận thì không đến mức. Hiện nay, rất nhiều cửa hàng, nơi cung cấp dịch vụ niêm yết giá bằng ngoại tệ. Việc này rất phổ biến nhưng làm sao mà kiểm soát hết được”, vị luật sư nhấn mạnh.