Ngày 11/12, TAND tỉnh Bình Dương tiếp tục phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Hồng Khanh (sinh năm 1967, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư thị xã Bến Cát) về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí.
Cùng bị xét xử về tội danh trên còn có bị cáo Nguyễn Huy Hùng (sinh năm 1968, nguyên giám đốc chi nhánh ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) Tây Sài Gòn) và Nguyễn Quang Lộc (sinh năm 1970, nguyên cán bộ cấp dưới của bị cáo Hùng).
HĐXX vẫn chưa xét hỏi bị cáo Khanh.
Theo đó, bị cáo Hùng và Lộc phản bác nhiều nội dung cáo trạng quy kết. Cụ thể, các lần ông Khanh mua tài sản thế chấp của bà Hồ Thị Hiệp đều được bà Hiệp có đơn đề nghị. Từ đơn đề nghị đó, ngân hàng thẩm định, xem xét giá cả, quy trình và đồng ý. Sau đó, tài sản được giải chấp và ký hợp đồng mua bán tại văn phòng công chứng. Cả 2 bị cáo đều khẳng định không bàn bạc với bà Hiệp và ông Khanh, không hưởng lợi từ việc xử lý tài sản thế chấp của bà Hiệp và ngân hàng BIDV không bị thiệt hại.
Bị cáo Lộc khai khi nhận được đề nghị của bà Hiệp về việc được bán một phần tài sản thế chấp là 5,2ha với giá 2 tỉ đồng, thì bị cáo đi xuống địa bàn tiến hành khảo sát giá thực tế.
“Bị cáo thu thập nhiều thông tin về mua bán các thửa đất. Thông tin người nào, họ tên, địa chỉ, bán giá bao nhiêu. Bị cáo thấy giá 2 tỉ đồng mà bà Hiệp đưa ra phù hợp với giá đất thị trường thời điểm đó nên đồng ý. Bị cáo làm tờ trình, chấp nhận đề nghị của cụ Hiệp”, bị cáo Lộc khai.
Theo bị cáo Lộc biết, thì ông Khanh muốn mua toàn bộ đất của cụ Hiệp nhưng bà Hiệp không đồng ý nên mới bán theo từng đợt. Đợt đầu tiên các bên ký hợp đồng thỏa thuận, bị cáo Khanh nộp 2 tỉ đồng vào tài khoản của bà Hiệp tại ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn để trừ nợ còn số tiền còn lại bị cáo Khanh chuyển riêng cho bà Hiệp.
Việc bị cáo ký tên vào hợp đồng 3 bên có giá 3,4 tỉ đồng là do thời điểm đó cụ Hiệp và ông Khanh mới quen nhau, chưa tin tưởng. Bà Hiệp sợ nếu ký hợp đồng công chứng 2 tỉ đồng, số còn lại nói miệng nếu ông Khanh “lật kèo” thì không biết kêu ai. Bị cáo ký tên trên đó là để làm chứng”, bị cáo Lộc trả lời.
Bị cáo Lộc khai tại tòa.
Tiếp tục làm rõ về những vi phạm tố tụng, bị cáo Lộc nói mình có bảng quy trình xử lý, thẩm quyền về thu hồi nợ. Bị cáo nói đã khai báo và yêu cầu cơ quan điều tra thu thập nhưng không được chấp nhận. Tại phiên tòa, bị cáo Lộc tiếp tục đề nghị HĐXX thu thập để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Bị cáo Lộc khai bị chuyển trại liên tục từ trại giam Bến Lớn về trại giam công an tỉnh, rồi về trại giam ở Tân Uyên. Điều kiện tạm giam rất khắc nghiệt, bị áp lực. Bị cáo nhiều lần muốn ý kiến nhưng không ai hỗ trợ, không biết có quyền được khiếu nại. Khi được tống đạt kết luận điều tra, cáo trạng, bị cáo chỉ có 1 tiếng để đọc hiểu và ý kiến. Bị cáo bị hối thúc đọc nhanh và ký vào dù cáo trạng dài 17 trang, kết luận điều tra dài hơn 45 trang, trong thời gian ngắn bị cáo không thể đọc hiểu hết được.
Dù kết quả định giá có từ ngày 14/9/2018 nhưng mãi đến ngày 27/10/2019 mới có thông báo đến bị cáo. Bị cáo Lộc nói không biết quy định trong 7 ngày được quyền ý kiến, được quyền đề nghị định giá lại. Bị cáo nói không đồng ý với định giá của Hội đồng định giá (Sở Tài chính Bình Dương) và đề nghị HĐXX xem xét lại.
Theo kế hoạch chiều nay, HĐXX sẽ tiến hành xét hỏi bị cáo Khanh.