Xuất hiện nhiều điểm sáng tăng trưởng

(BĐT) - Giao ban với các bộ, ngành và địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2017, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh một số điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội quý II/2017. 
Thu hút vốn FDI đạt kết quả khả quan là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017. Ảnh: Đức Thanh
Thu hút vốn FDI đạt kết quả khả quan là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017. Ảnh: Đức Thanh

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng lưu ý, để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2017, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương.

Yêu cầu vào cuộc mạnh mẽ

Theo đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung, nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm là khu vực dịch vụ, đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và số lượng doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới đều tăng trưởng khá.

Cụ thể, báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết, trong quý II/2017, tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ tiếp tục ổn định và cao hơn so với cùng kỳ năm 2016, ước đạt 6,7%. Tính chung, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm ước đạt 1,925 triệu tỷ đồng, tăng 11,65% so với cùng kỳ năm 2016. Về thu hút FDI, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần trong 6 tháng đầu năm là 19,2 tỷ USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm 2017. Đăng ký thành lập DN cũng tiếp tục có dấu hiệu khởi sắc với 61.276 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 596.196 tỷ đồng, tăng 12,4% về số DN và tăng 39,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

Ghi nhận những kết quả tích cực, song Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung cũng lưu ý, 6 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng của nhóm ngành khai khoáng chưa được như kỳ vọng, giải ngân vốn đầu tư vẫn còn chậm...

Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH&ĐT) cho biết, dù các chỉ tiêu kinh tế 6 tháng đầu năm chưa đạt như kỳ vọng, nhưng ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 2/6/2017 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017, nhiều đơn vị đã ngay lập tức vào cuộc.

Điển hình, với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), chỉ 3 ngày sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị, ngày 5/6, Tổ công tác của Chính phủ đã làm việc với Tập đoàn để xem xét khả năng khai thác tăng thêm 1 triệu tấn dầu trong năm 2017. Mặc dù khả năng khai thác thêm 1 triệu tấn dầu trong năm nay là khá khó khăn (có thể điều kiện thời tiết không ủng hộ, giá dầu vẫn giảm...), tuy nhiên, theo lãnh đạo tập đoàn này, từ nay đến cuối năm, PVN vẫn sẽ quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn

Nhận định bên cạnh những điểm sáng, bức tranh kinh tế vẫn còn một số gam màu xám, nhiều đại biểu tham dự Hội nghị cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, các khó khăn, vướng mắc cần phải được tập trung tháo gỡ kịp thời. Trong đó có việc thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) không đạt mục tiêu đề ra và giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi còn chậm.

Theo báo cáo, tổng thu NSNN từ đầu năm đến ngày 15/6/2017 ước đạt gần 500,945 nghìn tỷ đồng, bằng 41,3% dự toán. Đại diện Bộ Tài chính cho biết, mặc dù về tổng thể thu NSNN phù hợp tiến độ dự toán, tuy nhiên về mặt chi tiết, thu ngân sách trung ương đạt 37%, trong khi thu ngân sách địa phương đã đạt 49%. Như vậy, đang có sự mất cân đối giữa thu ngân sách trung ương và thu ngân sách địa phương. Với tình hình này, nếu thời gian tới đây không có sự cải thiện, số thu ngân sách trung ương cả năm sẽ khó đạt được.

Về chi ngân sách, tổng chi NSNN đến thời điểm 15/6/2017 là 533,4 nghìn tỷ đồng, bằng 38,4% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển vẫn ở mức thấp, đạt 83,26 nghìn tỷ đồng, bằng 23,3% dự toán, tương đương cùng kỳ năm 2016. Hiện nay, vấn đề đáng ngại nhất là chi đầu tư phát triển quá chậm. Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước báo cáo, đến thời điểm hiện tại, chỉ có 9 đơn vị giải ngân vốn đạt từ 30% trở lên. Một số đơn vị như Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao... giải ngân quá chậm. Tình hình này cũng đang diễn ra tại nhiều địa phương, một số địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, chỉ dưới 20% như Tây Ninh, Cao Bằng...

Về giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi, theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, lũy kế từ đầu năm đến ngày 23/6/2017, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi được ký kết đạt 1,17 tỷ USD. Song, lũy kế giải ngân nguồn vốn này kể từ đầu năm đến nay chỉ đạt 34% kế hoạch năm. Đối với vấn đề này, ông Trần Quốc Phương nhấn mạnh, Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh việc giải ngân để đưa vốn vào nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Các bộ, ngành, địa phương cần rà soát thủ tục, tháo gỡ những vướng mắc để giải ngân cho các dự án có thể đưa vào vận hành ngay, dự án muốn mở rộng sản xuất...