Xuất khẩu đạt hơn 115 tỷ USD

Kim ngạch xuất khẩu (XK) 7 tháng năm 2017 của cả nước ước đạt hơn 115 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2016 (tăng 5,5%). Có 20 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD.
Các chuyên gia trao đổi giải pháp thúc đẩy XK tại Diễn đàn XK 2017. Ảnh: VGP
Các chuyên gia trao đổi giải pháp thúc đẩy XK tại Diễn đàn XK 2017. Ảnh: VGP

Đây là thông tin được công bố tại Diễn đàn XK 2017 với chủ đề “Nhận diện thị trường và quản trị rủi ro trong XK của doanh nghiệp Việt Nam” được tổ chức ngày 8/8 tại TPHCM.

DN trong nước tăng trưởng tích cực

Ông Nguyễn Phú Hòa, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết XK vào các nước có hiệp định thương mại tự do ngày càng tăng cao, cho thấy các DN Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội do các hiệp định này mang lại.

Cụ thể, Hoa Kỳ vẫn là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 7 tháng đạt 23,4 tỷ USD, tăng 9,9%. Tiếp đến là EU đạt 21,5 tỷ USD, tăng 12,8%; Trung Quốc đạt 15,5 tỷ USD, tăng 42,6%; ASEAN đạt 12,3 tỷ USD, tăng 27,1%; Nhật Bản đạt 9,6 tỷ USD, tăng 20,6%; Hàn Quốc đạt 7,6 tỷ USD, tăng 26,4%...

Qua nghiên cứu cơ cấu hàng hoá xuất nhập khẩu thời gian qua, dự kiến kim ngạch XK cả năm sẽ đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng 13%. Nhập khẩu năm 2017 ước đạt 205 tỷ USD, tăng trên 17%.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, với sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và cộng đồng DN, thị trường XK năm 2017 và năm 2018 sẽ tiếp tục đạt được xu hướng tăng trưởng. Tuy nhiên, hoạt động XK sẽ gặp nhiều thách thức, cạnh tranh, cũng như những thay đổi bất thường từ thị trường thế giới.

Ông Fred Bruke, thành viên ban lãnh đạo Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) nhận định, do Việt Nam đa dạng thị trường XK, cũng như tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, nên việc Mỹ ngừng tham gia TPP cũng sẽ tác động không nhiều đến hoạt động XK của các DN Việt Nam.

Tuy nhiên, vì Mỹ không tham gia TPP, nên nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày khi xuất sang Mỹ sẽ vẫn chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước khác do hàng hóa của Việt Nam không được giảm thuế nhiều như kỳ vọng khi tham gia TPP.

Tương tự đối với thị trường EU, ông Fred Bruke cho rằng, sự kiện Anh rời khỏi EU ít nhiều tác động tới các hoạt động XK của Việt Nam. Tuy nhiên, mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như dệt may có thuế tương đương với nhiều nước EU, nhưng chi phí nhân công rẻ, nên sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn khi XK sang thị trường Anh.

Các mặt hàng rau quả XK tăng trưởng mạnh. Ảnh: VGP

Tăng cường đưa hàng vào hệ thống phân phối lớn

Ông Jonathan Moreno, Chủ tịch Amcham Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục là cầu nối hỗ trợ để các DN Việt Nam tăng cường XK, đưa hàng vào thị trường Mỹ.

Đặc biệt, AmCham sẽ là cầu nối giúp các DN đẩy mạnh đưa hàng hóa vào Walmart, hệ thống bán lẻ hàng đầu tại Mỹ, thông qua các buổi kết nối, gặp gỡ trực tiếp giữa DN Việt Nam và AmCham. Tại các buổi gặp gỡ này, các DN Việt Nam sẽ hiểu rõ hơn về quy trình và các điều kiện xuất hàng vào Walmart, cũng như vào thị trường Mỹ.

Bên cạnh các thị trường Mỹ và EU, thời gian qua, thị trường Nhật Bản cũng được các DN trong nước đẩy mạnh XK. Bên cạnh đó, các DN Việt Nam cũng có thể đẩy mạnh XK “tại chỗ” thông qua hệ thống phân phối của Aeon Việt Nam.

Ông Yasuo Nishitoghe, Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam cho hay, hiện có 1.675 nhà cung cấp Việt Nam đang hợp tác cung ứng hàng hóa cho Aeon Việt Nam. Hàng hóa của các DN này chiếm tới 81% cơ cấu hàng hóa của Aeon tại Việt Nam, đồng thời, chất lượng và mẫu mã hàng hóa ngày càng được cải thiện.

Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam cho biết hàng hóa chất lượng của Việt Nam có thể tiêu thụ trên khắp thế giới thông qua hệ thống phân phối của Aeon. Chẳng hạn, năm 2016, hệ thống Aeon bán 1.500 tấn cá tra Việt Nam tại Nhật Bản đem về doanh số gần 9 triệu USD…

Tin cùng chuyên mục