Xuất khẩu nông sản kỳ vọng lập kỷ lục mới

(BĐT) - Nửa đầu năm 2018, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt hơn 10 tỷ USD, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt con số ấn tượng 19,4 tỷ USD. Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực đang có tốc độ tăng trưởng hai con số. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Tín hiệu tích cực này cho thấy, xuất khẩu toàn ngành trong năm nay có thể vượt mục tiêu 40 tỷ USD, trong đó riêng các mặt hàng nông sản đạt khoảng 21 tỷ USD, xác lập kỷ lục mới. 

Những tín hiệu tích cực

Ngay đầu năm 2018, ngành nông nghiệp đã đón nhận niềm vui mới khi quả nhãn của Việt Nam có thể chính thức xuất khẩu sang Australia từ năm 2019.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, người dân cũng đón nhận tin vui trong những ngày đầu tháng 4 khi quả chôm chôm vượt qua nhiều rào cản khắt khe để có mặt tại New Zealand.

Mới đây, trong Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức, lãnh đạo bộ vui mừng cho biết, chỉ nửa đầu năm, xuất khẩu toàn ngành đạt 19,4 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 10,3 tỷ USD (tăng 9,7%). Riêng xuất khẩu gạo đạt khoảng 3,5 triệu tấn với giá trị 1,81 tỷ USD, tăng 12,5% về khối lượng và 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017; rau quả đạt 2 tỷ USD, tăng 20%; điều nhân đạt 176 nghìn tấn, với giá trị 1,41 tỷ USD, tăng 17% cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2017... 

Dư địa lớn cho xuất khẩu nông sản

Dù những khó khăn trong xuất khẩu nông sản năm 2018 đã được nhận diện, đó là những quy định, rào cản thương mại của thị trường thế giới; sự gia tăng bảo hộ của các nước đối với sản xuất, kinh doanh nông sản trong nước; căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam. Song theo dự báo của Bộ NN&PTNT, năm 2018 vẫn sẽ là năm Việt Nam có được tốc độ tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu cao, đặc biệt là xuất khẩu nông sản.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, dư địa cho xuất khẩu các mặt hàng nông sản, đặc biệt là rau quả, vẫn rất lớn. Theo thống kê, tổng thương mại toàn cầu riêng về rau quả và trái cây mỗi năm lên tới 230 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu của ngành hàng rau quả là 3 - 5%/năm. Một số mặt hàng đang có những dấu hiệu khởi sắc hướng đến chất lượng cao hơn và nâng cao vị thế trên thị trường thế giới.

Để khai thác hiệu quả các thị trường xuất khẩu, việc quan trọng nhất, theo Bộ NN&PTNT là phải tổ chức tốt thị trường, mở rộng thị trường xuất khẩu mới đi cùng với giữ và phát triển các thị trường đã có. Bên cạnh đó, cần xây dựng môi trường thể chế chính sách thuận lợi để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng nông sản.