Phối cảnh cầu vượt hình chữ N ở vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn. |
Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Giám đốc Khu QLGT đô thị số 1 TP.HCM cho biết, tổng vốn đầu tư của hai dự án trên là 746 tỷ đồng, trong đó cầu vượt tại giao lộ Trường Sơn là 242 tỷ đồng, 504 tỷ đồng còn lại thuộc về dự án cầu vượt tại vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn. Hai cầu vượt nói trên, được thi công tại giao lộ Trường Sơn – nhánh đường Bình Lợi - Tân Sơn Nhất - vành đai ngoài ở quận Tân Bình và vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn ở quận Gò Vấp. Tất cả sẽ được cùng lúc khởi công cùng ngày 8/2/2017.
Theo thiết kế, cầu vượt tại giao lộ Trường Sơn - nhánh đường Bình Lợi - Tân Sơn Nhất - vành đai ngoài được xây dựng bằng bê tông theo hình chữ Y, còn cầu vượt tại vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn được xây dựng bằng thép có hình dạng chữ N.
Đối với cầu vượt tại giao lộ Trường Sơn sẽ gồm hai nhánh, trong đó một nhánh dẫn vào nhà ga quốc tế dài 303 mét, và một nhánh dẫn vào nhà ga quốc nội dài 153 mét.
Riêng cầu vượt tại vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn, bao gồm một cầu vượt hướng Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn dài 367 mét, một cầu vượt hướng Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám dài 367 mét và một cầu vượt từ đường Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn dài 362 mét.
Theo tính toán, khi cầu vượt tại giao lộ Trường Sơn hoàn thành, dòng xe lưu thông từ ngoài vào sân bay và dòng xe lưu thông từ đường Trường Sơn ra đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi sẽ đi trên cầu vượt và phía dưới nên không giao nhau tại nút Trường Sơn, điều này giúp giảm được tình trạng ùn tắc tại đây.
Đặc biệt, cầu vượt tại vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn, ngoài những ưu việt trong thiết kế như đã nói trên, chủ đầu tư còn cải tạo, mở rộng đường ra vào tại các nút giao thông để đảm bảo cho xe thông thoát nhanh qua giao lộ, do đó tình trạng ùn tắc, kẹt xe hứa hẹn sẽ kéo giảm xuống mức thấp nhất.
Thực tế cho thấy, lâu nay tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng, khi 2 dự án cầu vượt nói trên đưa vào sử dụng sẽ hóa giải được tình trạng bế tắc triền miên nói trên cho khu vực này.
Vẫn theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, sau khi đề xuất xây hai công trình theo lệnh khẩn cấp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, UBND TP.HCM đã chỉ định Khu quản lý giao thông đô thị số 1 TP.HCM là chủ đầu tư để thi công sớm, đưa công trình vào sử dụng một cách nhanh nhất nhằm kéo giảm ùn tắc ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.
Như vậy, với hơn 30.000 lượt xe ra vào sân bay mỗi ngày, trong đó có 22.000 lượt ô tô và khoảng 7.000 lượt xe máy, đó là chưa tính lượng xe của hơn 10.000 nhân viên làm việc tại đây sẽ không còn là nổi ám ảnh khi hai công trình trên hoàn tất. Điều này cũng có nghĩa, đã có lối thoát cho tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất – một điều gây nhức nhối suốt hàng chục năm qua.