Cuộc xung đột giữa Nga với Ukraine và việc Mỹ, châu Âu trừng phạt Nga sẽ tiếp tục đẩy giá dầu cùng các sản phẩm khí đốt lên cao hơn nữa. Ảnh: PVN |
Ngày 26/2, Mỹ và các đồng minh quyết định loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Theo Giám đốc bộ phận kinh tế và tiền tệ tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), ông Claudio Borio, căng thẳng Nga - Ukraine leo thang đã làm gia tăng mạnh những bất ổn kinh tế và diễn tiến của nó sẽ trở thành nhân tố chi phối, ảnh hưởng đến các thị trường. Trong bối cảnh đó, thách thức của các ngân hàng trung ương ngày càng trở nên phức tạp hơn khi áp lực lạm phát gia tăng ngay cả khi triển vọng tăng trưởng đã yếu đi.
Với Việt Nam, nhiều ý kiến quan ngại xung đột Nga - Ukraine sẽ ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Số liệu từ Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 7,14 tỷ USD tăng 25,9% so với năm 2020 và đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại chính của Nga. Việt Nam xuất siêu sang Nga 2,65 tỷ USD trong năm 2021.
Bộ Công Thương cho biết, thời gian gần đây, dịch bệnh Covid-19 trong nước diễn ra hết sức phức tạp cùng với tình hình quốc tế có nhiều biến động do xung đột vũ trang tại Ukraine. Những vấn đề này đã làm giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh, lương thực thực phẩm hàng ngày tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thị trường trong nước.
Trước tình hình đó, ngày 1/3/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có công điện yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo toàn lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động để thu lời bất chính, kịp thời tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương về tình hình biến động của thị trường hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, đặc biệt là những mặt hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 và xung đột vũ trang tại Ukraine.
Liên quan việc Nga bị loại khỏi SWIFT, Ngân hàng Nhà nước cho biết, các giao dịch thanh toán quốc tế tại Việt Nam hiện được chủ yếu xử lý qua Dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua hệ thống SWIFT và Dịch vụ chuyển tiền Western Union (WU) do các tổ chức tín dụng trong nước trực tiếp thỏa thuận, ký kết tham gia, hợp tác với các tổ chức quốc tế. Trong đó, việc xử lý qua hệ thống SWIFT là chủ yếu, đây là hệ thống thanh toán toàn cầu hiện đại, nhanh chóng, độ bảo mật rất cao và chi phí thấp hơn các giao dịch thanh toán truyền thống khác.
Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), xung đột Nga - Ukraine chắc chắn tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam. Xung đột giữa hai nước dẫn đến giá dầu và nhiều loại nguyên vật liệu tăng cao sẽ gây khó cho nỗ lực kiềm chế lạm phát của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam có quan hệ thương mại với Nga và Ukraine nên căng thẳng chính trị sẽ tác động bất lợi. Tuy nhiên, hiện chưa thể lường hết mức độ tác động bởi chưa dự đoán được căng thẳng giữa hai nước sẽ kéo dài bao lâu và động thái tiếp theo của các nước lớn.
TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại thuộc Bộ Công Thương cho rằng cục diện chính trị - quân sự giữa Nga và Ukraine sẽ tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là giá dầu. Nga là nước khai thác và xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, do đó, cuộc xung đột giữa Nga với Ukraine và sự đe dọa trừng phạt của Mỹ, châu Âu sẽ tiếp tục đẩy giá dầu cùng các sản phẩm khí đốt lên cao hơn nữa. Để ứng phó với thách thức này, Chính phủ cần tiếp tục xây dựng các kịch bản ứng phó với tầm nhìn xa, trong đó, cân nhắc giảm thêm thuế, phí để kéo giá xăng dầu trong nước xuống. Về thương mại, theo ông Phương, do Nga và Ukraine không phải là đối tác lớn của Việt Nam nên tác động trực tiếp từ căng thẳng 2 bên không ảnh hưởng quá lớn tới nước ta.
Chuyên gia kinh tế thế giới Bùi Ngọc Sơn cho rằng, điểm quan ngại nhất là khả năng kiểm soát giá cả hàng hóa khi giá dầu và nhiều loại nguyên nhiên liệu đầu vào có khả năng tăng cao. Bên cạnh đó, Mỹ và nhiều nước cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng nên nhiều khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất điều hành, khiến đồng USD tăng giá, thêm một lực đẩy với lạm phát của Việt Nam.
Do đó, theo ông Sơn, Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi sát diễn biến lạm phát, tính toán các giải pháp tiền tệ và có thể xem xét nâng lãi suất điều hành để ứng phó kịp thời. Về chính sách tài khóa, cần triển khai kịp thời và hiệu quả các gói hỗ trợ để doanh nghiệp có thêm nguồn lực đối mặt với các thách thức và vượt qua khó khăn.