3 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam chuyển sang đầu tư công kỳ vọng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021. Ảnh: Lê Tiên |
Cấp thiết hoàn thành sớm tuyến cao tốc huyết mạch
Ngày 9/6, Chính phủ chính thức trình Quốc hội phương án chuyển đổi 3 dự án thành phần thuộc Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, gồm đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây và đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết từ phương thức PPP sang đầu tư hoàn toàn bằng vốn nhà nước. Đa số đại biểu Quốc hội đồng thuận về chủ trương chuyển đổi 3 dự án thành phần này, vì ngoài đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết không có nhà đầu tư quan tâm, thì 2 đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây kết nối với hai đầu tàu kinh tế Hà Nội và TP.HCM đều cấp thiết phải đầu tư.
Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) chia sẻ, cao tốc Bắc - Nam phía Đông là tuyến đường huyết mạch, động lực để phát triển kinh tế cả nước, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa, vì thế cần thực hiện Dự án càng sớm càng tốt, thậm chí cấp thiết hơn cả sân bay Long Thành.
Theo ông Hùng, 3 đoạn chuyển sang đầu tư công như đề xuất của Chính phủ là các đoạn cần huy động vốn từ khu vực tư nhân rất lớn. Đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 cần hơn 9,7 nghìn tỷ đồng, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây cần gần 11,9 nghìn tỷ đồng, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết cần 7,7 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn này rất khó huy động từ tổ chức tín dụng trong nước, trong khi chuyển sang đầu tư công thì có thể triển khai ngay được vì đã có vốn. Các dự án còn lại có một số nhà đầu tư quan tâm, phần vốn nhà nước tham gia nhiều, vốn huy động từ tư nhân thấp hơn thì có thể tiếp tục làm PPP.
Lấy ví dụ riêng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây loay hoay từ năm 2008 đến nay chưa làm được, lưu lượng xe hiện rất lớn, gấp 3 lần cho phép, thường xuyên ùn tắc, tai nạn giao thông, đại biểu Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận) cho rằng, về lý thuyết, lưu lượng xe lớn, khả năng hoàn vốn cao thì nên để làm PPP, nhưng thực tế nếu tiếp tục làm PPP (hợp đồng BOT) thì không khả thi.
Ông Hải lý giải, ban đầu dự kiến thu hút nhà đầu tư nước ngoài để huy động được vốn, nhưng sau chuyển sang đấu thầu trong nước, ngân hàng trong nước hiện rất khó cho vay. Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận vốn vay hơn 6 nghìn tỷ đồng mà mất rất nhiều thời gian, công sức mới thu xếp được từ 4 ngân hàng. Dự án Dầu Giây - Phan Thiết lượng vốn cần huy động từ khu vực tư nhân gần gấp đôi thì rất khó huy động nguồn vốn trong nước, nếu làm PPP không biết khi nào mới hoàn thành.
Là người nhiều tâm huyết với vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cao tốc Bắc - Nam là huyết mạch, xương sống của đất nước, cấp thiết nhưng đến nay mới đầu tư được chưa đầy 500 km. “Đi từ Vinh ra Hà Nội có 300 km mà mất gần 6 tiếng thì làm sao cạnh tranh được… Muốn hội nhập, đón đầu dòng dịch chuyển đầu tư mới thì càng cần hoàn thiện nhanh hạ tầng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Theo người đứng đầu Bộ KH&ĐT, chủ trương thu hút tư nhân đầu tư hạ tầng là đúng đắn. Trong quá trình đấu thầu 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, qua sơ tuyển hầu hết là nhà thầu xây dựng có năng lực thi công tốt nhưng năng lực tài chính khó đáp ứng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã trả lời là nguồn vốn ngắn hạn không thể cho vay dài hạn, rất khó huy động vốn tín dụng trong nước cho các dự án này. Ngoài ra, còn 120 nghìn tỷ đồng đang ở các dự án PPP thu hồi rất chậm, rất dễ chuyển thành nợ xấu, khó yên tâm cho vay thêm.
Tại Nghị quyết 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Quốc hội đã cho phép nếu đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư không được thì chuyển từ PPP sang đầu tư công hoàn toàn.
Cần đảm bảo tiến độ hoàn thành
Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký Quốc hội, đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình - cho biết, quan điểm của Quốc hội đồng tình với lựa chọn 3 đoạn tuyến này chuyển sang đầu tư công, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ cần cam kết tiến độ hoàn thành khi trình Quốc hội thì sẽ có tính thuyết phục hơn.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, chủ trương, quy hoạch, tiền đều đã có. Giải phóng mặt bằng - khâu mất rất nhiều thời gian, thì đến nay đã đạt 75%, đến quý III năm nay là xong toàn tuyến. Nếu tháng 8, 9 này khởi công thì chỉ cần ứng vốn cho nhà thầu, chưa cần nhiều, sang năm 2021 sẽ bố trí vốn giai đoạn sau, nên không có lo ngại gì về vốn, có thể làm được ngay và kết thúc sớm. “Chính phủ đã bàn nhiều lần, Bộ Giao thông vận tải cam kết nếu hoàn thiện thủ tục, tháng 8 khởi công và khoảng cuối năm 2021 là xong toàn bộ 3 tuyến chuyển sang đầu tư công”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Người đứng đầu ngành KH&ĐT mong muốn tập trung đầu tư sớm, hoàn thành 11 đoạn tuyến đã phê duyệt (657 km), sau đó bố trí đủ vốn gối đầu thực hiện tiếp 700 km nữa trong nhiệm kỳ tới. “Các tuyến làm xong sẽ nhượng quyền khai thác, thu hồi tiền làm các tuyến tiếp theo, vấn đề bố trí vốn không phải chuyện lớn. Kỳ vọng đến năm 2025 sẽ hoàn thành 1.300 km đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.