Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh sự cần thiết chuyển đổi hình thức đầu tư đối với một số dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Ảnh: Tiên Giang |
Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, cần bảo đảm sau khi chuyển đổi phải thực hiện thủ tục nhanh hơn so với PPP, sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước.
Dự án Xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (gọi tắt là Dự án) được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 gồm 11 DATP, trong đó, 3 dự án đầu tư theo hình thức đầu tư công thuần túy và 8 DATP đầu tư theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT. Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), thực tế triển khai 8 dự án PPP phát sinh một số khó khăn liên quan đến khả năng huy động nguồn vốn tín dụng, năng lực nhà đầu tư... dẫn đến tiến độ triển khai khó bảo đảm theo kế hoạch.
Căn cứ Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã nghiên cứu, báo cáo Thường trực Chính phủ đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án trọng điểm ngành GTVT từ PPP sang đầu tư công thuần túy. Đối với các DATP thuộc Dự án, Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư của 3 dự án: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Phan Thiết - Dầu Giây.
Theo Bộ Tài chính, với phương án chuyển đổi như trên, chi phí đầu tư của 6 dự án đầu tư công thuần túy (3 dự án đang thực hiện và 3 dự án dự kiến chuyển đổi) và chi phí giải phóng mặt bằng toàn tuyến sẽ có tổng nhu cầu vốn khoảng 54.365 tỷ đồng. Với kế hoạch vốn đã được Quốc hội thông qua cho Dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là 55.000 tỷ đồng, sẽ không còn nguồn vốn để hỗ trợ cho 5 dự án PPP còn lại. Đồng thời, đến thời điểm hiện nay, kế hoạch vốn giao cho Dự án là 16.593 tỷ đồng; giải ngân được khoảng 6.800 tỷ đồng nên khả năng giao hết số kế hoạch còn lại 37.772 tỷ đồng và giải ngân hết kế hoạch vốn trong giai đoạn 2016 - 2020 là khó khả thi.
Nhấn mạnh sự cần thiết chuyển đổi hình thức đầu tư đối với một số dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) lưu ý nguyên tắc chung là các dự án chuyển đổi phải nối tiếp với các đoạn đang triển khai, có khả năng hoàn thành sớm các thủ tục đầu tư và đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, giải ngân hết kế hoạch vốn hằng năm đã được giao trong giai đoạn 2018 - 2020 và gối đầu chuyển tiếp thực hiện ngay trong giai đoạn kế tiếp. “Cần tránh tình trạng phải kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch vốn và tình trạng có kế hoạch vốn nhưng dự án không thể triển khai, không thể giải ngân được”, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Bộ KH&ĐT cũng đề nghị Bộ GTVT chịu trách nhiệm tổ chức rà soát, tính toán lại chi tiết trong tổng mức đầu tư, tiến độ triển khai các dự án chuyển đổi, bảo đảm khả thi hơn, rút ngắn hơn thời gian hoàn thành thủ tục so với tiến độ thủ tục hiện hành theo hình thức PPP.
Về lựa chọn nhà thầu sau khi chuyển đổi, Bộ KH&ĐT đề nghị, bên cạnh việc tiết giảm chi phí lãi vay, lợi nhuận nhà đầu tư trong tổng mức đầu tư dự án và một số ràng buộc khác, nếu được cấp có thẩm quyền cho phép chỉ định thầu, cần quy định tiết kiệm từ 5 - 7% so với dự toán được phê duyệt của gói thầu được chỉ định. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế thưởng, phạt rõ ràng với các nhà thầu được lựa chọn để thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án.