3 giai đoạn phát triển khu công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Để có 1 bộ mặt phát triển toàn diện, có chiều sâu trong thu hút đầu tư có chất lượng và trọng điểm như hiện nay, các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) Việt Nam đã trải qua hành trình 30 năm xây dựng và không ngừng phát triển.

Thực tiễn đòi hỏi việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế cần được đổi mới mạnh mẽ để thích ứng với bối cảnh thế giới và trong nước. Ảnh: Lê Tiên
Thực tiễn đòi hỏi việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế cần được đổi mới mạnh mẽ để thích ứng với bối cảnh thế giới và trong nước. Ảnh: Lê Tiên

Giai đoạn 1991 - 2000: Thí điểm và từng bước nhân rộng mô hình KCX, KCN và KKT cửa khẩu

Trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho thành lập và hoạt động KCX, KCN được ban hành. KCX Tân Thuận (TP.HCM) là KCN đầu tiên của cả nước được thành lập năm 1991. Đây là “quả ngọt đầu mùa” minh chứng cho một hướng đi mới đúng đắn trong phương hướng phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước ta. Trong 4 năm thí điểm (năm 1991 - 1995), cả nước có 12 KCX, KCN được thành lập với tổng diện tích khoảng 2.360 ha, trong đó có 4 KCX, chủ yếu tập trung tại TP.HCM và Hà Nội.

Trong kế hoạch 5 năm tiếp theo (1996 - 2000), việc thành lập các KCN, KCX được đẩy nhanh nhằm tăng cường thu hút đầu tư, đa dạng hóa phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nhẹ, hướng tới xuất khẩu và tạo động lực để phát triển công nghiệp tại các địa phương. Theo đó, cả nước đã có thêm 53 KCN được thành lập với tổng diện tích tăng thêm khoảng 9.564 ha, gấp 4,5 lần về số dự án và gấp 4 lần về diện tích so với kế hoạch 1991 - 1995.

Tính chung trong cả giai đoạn 1991 - 2000, đã có 65 KCN, KCX được thành lập trên cả nước với tổng diện tích 11.924 ha. Các KCN được thành lập trong giai đoạn này chủ yếu phân bố tại các địa phương là trung tâm kinh tế của vùng, đồng thời có điều kiện thuận lợi về dịch vụ, kết nối giao thông, cảng biển như Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai và Hà Nội.

Thực hiện chủ trương của Đảng về thí điểm phát triển KKT cửa khẩu gắn liền với chính sách phát triển kinh tế địa phương, nhất là miền núi và các vùng khó khăn, năm 1996, tỉnh Quảng Ninh đề xuất thí điểm thực hiện một số chính sách tại khu vực cửa khẩu Móng Cái và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Chính sách này được thực hiện thí điểm đối với khu vực cửa khẩu biên giới tỉnh Lạng Sơn năm 1997. Năm 1998, việc thí điểm được thực hiện ở quy mô rộng hơn với việc phê duyệt chính sách ưu đãi cho KKT cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh và Khu thương mại Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị. Trong giai đoạn này, cả nước có 8 khu vực được thí điểm chính sách KKT cửa khẩu với tổng diện tích 302.000 ha.

Giai đoạn 2001 - 2010: Phát triển mạnh các KCN, thành lập thêm một số KKT cửa khẩu và triển khai mô hình mới - KKT ven biển

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2010 đặt ra nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và tiếp tục hội nhập với kinh tế thế giới. Chủ trương phát triển KCN, KKT được điều chỉnh theo hướng phân bố KCN, KKT cửa khẩu hợp lý hơn trên địa bàn cả nước, nâng cao hiệu quả phát triển KCN, KKT cửa khẩu, phát triển thêm mô hình KKT ven biển và gắn KKT ven biển với phát triển kinh tế biển.

Giai đoạn này có sự tham gia ồ ạt của nhà đầu tư trong nước trong việc xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các KCN, KCX dẫn đến số lượng các KCN, KCX tăng lên nhanh chóng. 195 KCN được thành lập với tổng diện tích tăng thêm khoảng 59.500 ha, gấp 3 lần về số lượng và 5 lần về diện tích so với giai đoạn trước. Trong đó, số lượng KCN được thành lập trong kế hoạch 2006 - 2010 gấp 2 lần số lượng KCN được thành lập trong giai đoạn 2001 - 2005.

Thực hiện chủ trương nêu trên của Đảng, cơ sở pháp lý cho thành lập và hoạt động của KCN, KKT cửa khẩu, KKT ven biển tiếp tục được hoàn thiện. Ngày 27/9/2002, Bộ Chính trị đề ra chủ trương thành lập KKT ven biển tại Thông báo số 79-TB/TW về Đề án xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam; ngày 9/9/2004 có Đề án KKT Dung Quất. Năm 2003, KKT mở Chu Lai là KKT ven biển đầu tiên được thành lập. Sau đó, trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2008, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập thêm 12 KKT ven biển. Ngày 23/9/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1353/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020”, trong đó xác định hình thành hệ thống 15 KKT ven biển đến năm 2020.

Giai đoạn 2011 - nay: Tiếp tục phát triển và hoàn thiện KCN, KKT theo chiều sâu, thu hút đầu tư có chất lượng và trọng điểm

Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XI (năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 xác định mục tiêu phát triển đất nước trong giai đoạn này là tăng trưởng bền vững, có hiệu quả, đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Chủ trương phát triển KCN, KKT cửa khẩu, KKT ven biển trong giai đoạn này đặt ra yêu cầu chất lượng phát triển ở mức cao hơn theo hướng phát triển bền vững và chiều sâu, chú trọng phát triển công nghệ cao, đổi mới mô hình phát triển và gắn với liên kết vùng.

Việc phát triển KCN, KCX, KKT được chú trọng trong công tác rà soát, nâng cao chất lượng quy hoạch và các vấn đề về môi trường, lao động trong KCN, KCX, KKT. Ngoài ra, một số mô hình KCN mới được nghiên cứu, thử nghiệm như KCN chuyên sâu, KCN hỗ trợ, KCN đô thị - dịch vụ… để đáp ứng nhu cầu và theo kịp sự phát triển của thế giới. Trong giai đoạn này, có thêm 67 KCN đã được thành lập với tổng diện tích tăng thêm là 24.675 ha, bằng 34% về số lượng và 41% về diện tích so với giai đoạn trước.

Về định hướng phát triển KCN, KKT trong thời gian tới, ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay đang có nhiều chuyển biến mang tính bước ngoặt, chứa đựng những cơ hội và thách thức rất khác biệt so với giai đoạn trước đây. Hợp tác và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong khu vực công nghiệp đan xen và ngày một phức tạp hơn. Thực tiễn đòi hỏi việc phát triển KCN, KKT cần được đổi mới mạnh mẽ để thích ứng với bối cảnh thế giới và trong nước, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trước yêu cầu mới đó, định hướng phát triển các KCN, KKT cần được thay đổi:

Thứ nhất, tiếp tục xác định phát triển KCN, KKT là mô hình, giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại, hài hòa giữa các vùng miền, ngành, nghề; đảm bảo phát triển bền vững.

Thứ hai, đổi mới và đa dạng hóa các loại hình KCN, KKT để thích ứng với yêu cầu trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo sức hấp dẫn, cạnh tranh quốc tế của KCN, KKT trong thu hút, hợp tác đầu tư, trong đó lấy đổi mới mô hình phát triển, phương thức quản lý tiên tiến, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong KCN, KKT làm nền tảng.

Thứ ba, phát triển kết cấu hạ tầng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong KCN, KKT phải đảm bảo đồng bộ, hài hòa về kinh tế, xã hội, môi trường; đối tác hiệu quả giữa Nhà nước - địa phương - doanh nghiệp; gắn kết chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn, an sinh xã hội; thực hiện các cam kết quốc tế về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Thứ tư, thu hút đầu tư vào KCN, KKT có chọn lọc, phù hợp với yêu cầu, tiềm năng phát triển của địa phương, vùng; ưu tiên dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, có hợp tác chuyển giao công nghệ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả sử dụng tài nguyên và lao động, có giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, vai trò tiên phong và sáng tạo của công đoàn các cấp trong bảo vệ quyền lợi của người lao động, đặc biệt là trong quá trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tăng cường vai trò phản biện, giám sát của các tổ chức chính trị, xã hội; phát huy sự năng động, hiệu quả của nhà đầu tư, doanh nghiệp và các cấp, các ngành trong phát triển KCN, KKT.

Tin cùng chuyên mục