Tính đến hết ngày 21/12/2021, toàn Ngành đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 842 đơn vị với 159.885 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền hơn 1.111,4 tỷ đồng |
Đồng thời xác nhận danh sách cho 2.930.717 lao động của 70.148 đơn vị SDLĐ để hưởng các chính sách tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, 1.968.413 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương của 62.475 đơn vị; 609.565 lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người của 5.881 đơn vị; 4.125 lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm của 41 đơn vị; 84.578 lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 của 1.039 đơn vị, được NSDLĐ vay vốn trả lương ngừng việc; 228.747 NLĐ được NSDLĐ đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với NSDLĐ phải tạm dừng hoạt động) của 476 đơn vị; 35.289 NLĐ được NSDLĐ đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với NSDLĐ hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) của 236 đơn vị.
Cũng tính đến ngày 13/12/2021, ngành BHXH đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho 12.797.981 lao động (trong đó, đang tham gia BHTN là 11.707.938 lao động; đã dừng tham gia BHTN 1.090.043 lao động) với tổng số tiền hỗ trợ là 30,31 nghìn tỷ đồng.
Tính đến nay, gói chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã hết hạn tiếp nhận đề nghị hỗ trợ của NLĐ đã dừng tham gia BHTN nhưng còn thời gian bảo lưu đóng BHTN (ngày 20/12/2021). Đối với những NLĐ đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ từ Quỹ BHTN, thời hạn cơ quan BHXH phải hoàn thành chi trả tiền hỗ trợ là hết ngày 31/12/2021. Như vậy, chỉ còn hơn 1 tuần nữa để ngành BHXH hoàn thành việc chi trả này.
Theo ghi nhận thực tế, nhiều NLĐ đã bày tỏ sự phấn khởi khi nhận được tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN trong lúc gặp nhiều khó khăn. Phần lớn đều đánh giá, thủ tục nhận hỗ trợ từ Quỹ BHTN đều thuận tiện và nhanh chóng.
Mức hỗ trợ mà NLĐ nhận được tùy theo thời gian tham gia BHTN, trong đó mức hỗ trợ cao nhất là 3,3 triệu đồng. NLĐ có thời gian tham gia BHTN càng dài thì mức độ hỗ trợ càng cao.
Một số NLĐ chia sẻ, nhờ có khoản hỗ trợ này của Nhà nước mà gia đình bớt khó khăn trước mắt, bởi có gia đình cả vợ và chồng đều là công nhân đang thất nghiệp, nuôi con nhỏ.
Để có thể chi trả tiền hỗ trợ cho NLĐ gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 kịp thời, đúng đối tượng, chỉ sau 5 ngày ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg được ban hành, ngành BHXH Việt Nam đã hoàn thành xong việc thực hiện chính sách giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 375 nghìn đơn vị sử dụng lao động, tương ứng gần 11,3 triệu lao động với số tiền khoảng 4.322 tỷ đồng.
Ngay sau khi các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ được ban hành, với nền tảng công nghệ thông tin của Ngành, Lãnh đạo BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, cũng như BHXH các địa phương phải sẵn sàng, trên cơ sở nền tảng dữ liệu công nghệ thông tin, mã định danh của từng người tham gia để xác định chính xác số liệu NLĐ và NSDLĐ thuộc diện được hỗ trợ và thời gian tham gia BHTN chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp làm căn cứ tính mức hỗ trợ cho NLĐ; chuẩn bị nguồn kinh phí để phục vụ việc triển khai, chi trả các chính sách hỗ trợ được kịp thời, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Phương thức giao dịch để triển khai các chính sách hỗ trợ được ngành BHXH Việt Nam thực hiện đa dạng, linh hoạt hình thức theo sự lựa chọn của người thụ hưởng (giao dịch trực tiếp tại cơ quan BHXH không phụ thuộc địa giới hành chính hoặc qua dịch vụ bưu chính, qua giao dịch điện tử, ứng dụng VssID) để NLĐ và NSDLĐ có thể tiếp cận chính sách thuận lợi nhất và trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, khuyến khích NLĐ nhận tiền hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng để vừa đảm bảo kịp thời, minh bạch đến tận tay NLĐ, vừa đáp ứng chủ trương không dùng tiền mặt của Chính phủ cũng như đảm bảo tốt việc phòng, chống dịch Covid-19.
Trong quá trình triển khai các gói hỗ trợ, BHXH Việt Nam đã tổ chức nhiều đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong triển khai gói hỗ trợ từ Quỹ BHTN.
Tại một số địa phương, cơ quan BHXH còn phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các đơn vị có liên quan tổ chức các buổi đối thoại với doanh nghiệp và người lao động để trực tiếp giải đáp các thắc mắc, ghi nhận phản ánh để từ đó có đề xuất giải pháp giải quyết kịp thời nhằm mục tiêu đưa chính sách đến tận tay NLĐ.
Đơn cử như cuối tháng 11/2021, có hơn 200 doanh nghiệp đã tham dự Hội nghị đối thoại doanh nghiệp với lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM cùng BHXH TP.HCM. Hội nghị không chỉ phổ biến quy định của pháp luật, mà còn giải đáp trực tiếp các câu hỏi vướng mắc, tháo gỡ khó khăn liên quan đến việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về lao động, việc làm, an toàn lao động, giáo dục nghề nghiệp và về trích nộp bảo hiểm xã hội, giải quyết các chế độ chính sách BHXH, BHYT, BHTN của cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM. Thông tin phản ánh tại Hội nghị cũng cho thấy có một số trường hợp đáng tiếc khi người lao động đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ, nhưng do đơn vị SDLĐ chưa lập danh sách tham gia BHTN tại thời điểm 30/9/2021 và thông báo cho cơ quan BHXH nên không đủ cơ sở để được giải quyết hỗ trợ BHTN theo quy định của Chính phủ.