Nâng "trần" giờ làm thêm lên 60 giờ/tháng
Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, số giờ làm thêm trong 1 năm được quy định như sau: Trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm. Quy định này có hiệu lực từ 1/1/2022.
Về số giờ làm thêm trong 1 tháng, Nghị quyết quy định: "Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng". Quy định này có hiệu lực từ 1/4/2022.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng nêu rõ một số trường hợp không được áp dụng giờ làm thêm nêu trên…
Hỗ trợ đào tạo nghề du lịch
Thông tư 12/2022/TT-BTC hướng dẫn nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Về hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức về du lịch một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nghề du lịch, Thông tư nêu rõ:
Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo. Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa không quá 6 tháng.
Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc, từ 14 ngày trở xuống tính là 1/2 tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 1 tháng.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 9/4/2022.
Điều chỉnh bảng lương công chức quản lý thị trường
Thông tư 02/2022/TT-BCT quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức Quản lý thị trường. Cụ thể:
Ngạch Kiểm soát viên cao cấp thị trường (mã số 21,187) áp dụng bảng lương công chức loại A3, nhóm 1 (A3.1), từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00. Như vậy, mức lương cao nhất của ngạch này có thể là: 8 x 1.490.000 đồng = 11.920.000 đồng.
Ngạch Kiểm soát viên chính thị trường (mã số 21.188) áp dụng bảng lương công chức loại A2, nhóm 1 (A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78. Như vậy, mức lương cao nhất của ngạch này có thể là: 6,78 x 1.490.000 đồng = 10.102.200 đồng.
Ngạch Kiểm soát viên thị trường (mã số 21.189) áp dụng bảng lương công chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98. Như vậy, mức lương cao nhất của ngạch này có thể là: 4,98 x 1.490.000 đồng = 7.420.200 đồng.
Ngạch Kiểm soát viên trung cấp thị trường (mã số 21.190) áp dụng bảng lương công chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89. Như vậy, mức lương cao nhất của ngạch này có thể là: 4,89 x 1.490.000 đồng = 7.282.100 đồng…
Thông tư có hiệu lực từ 1/4/2022.
Chế độ cho quân nhân chuyên nghiệp chuyển ngành
Nghị định 19/2022/NĐ-CP quy định biện pháp thi hành chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành, công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc theo quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
Về chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành sang làm việc tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và tổ chức chính trị - xã hội hưởng lương từ ngân sách nhà nước (sau đây viết gọn là cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước), Nghị định nêu rõ:
Được ưu tiên bố trí việc làm phù hợp với ngành, nghề chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ; được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cần thiết phù hợp với công việc đảm nhiệm.
Được miễn thi tuyển, xét tuyển nếu chuyển ngành về cơ quan cũ trước khi vào phục vụ trong Quân đội hoặc chuyển ngành theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Quân nhân chuyên nghiệp được xếp và hưởng lương theo công việc mới, chức vụ mới kể từ ngày quyết định chuyển ngành có hiệu lực. Trường hợp tiền lương theo nhóm, ngạch, bậc được xếp thấp hơn tiền lương theo loại, nhóm, bậc của quân nhân chuyên nghiệp được hưởng tại thời điểm chuyển ngành thì được bảo lưu mức lương và phụ cấp thâm niên tại thời điểm chuyển ngành trong thời gian là 18 tháng kể từ ngày quyết định chuyển ngành có hiệu lực và do cơ quan, tổ chức mới chi trả.
Việc tiếp tục cho hưởng lương bảo lưu ngoài thời gian 18 tháng do Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức xem xét, quyết định phù hợp với tương quan tiền lương nội bộ.
Trong thời gian hưởng bảo lưu lương, mức tiền lương chênh lệch bảo lưu giảm tương ứng khi cán bộ, công chức, viên chức được nâng lương hoặc được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung trong ngạch hoặc được nâng ngạch. Sau thời gian bảo lưu lương, tiếp tục được hưởng mức phụ cấp thâm niên tại thời điểm chuyển ngành hoặc được cộng nối để tính hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên.
Công nhân và viên chức quốc phòng được xếp và hưởng lương theo công việc mới, chức vụ mới kể từ ngày quyết định chuyển ngành có hiệu lực.
Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đã chuyển ngành, đủ điều kiện hưởng lương hưu, nếu mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ để tính lương hưu tại thời điểm nghỉ hưu thấp hơn mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm chuyển ngành thì được lấy mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm chuyển ngành, được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm nghỉ hưu để làm căn cứ tính lương hưu.
Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đã chuyển ngành, nếu không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà thôi việc thì ngoài hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định, được giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc do cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức tại thời điểm thôi việc chi trả; trong đó: Cứ mỗi năm công tác trong Quân đội được trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi chuyển ngành, được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm thôi việc để làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc; thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trợ cấp thôi việc thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức tại thời điểm thôi việc…
Nghị định có hiệu lực từ 15/4/2022.