![]() |
Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình), đoạn qua TP. Thủ Đức sẽ được mở rộng lên 10 làn, đồng thời xây dựng một đường trên cao dài 3,2 km có quy mô 4 làn xe. Ảnh: Song Lê |
Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa hoàn tất các báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình UBND TP.HCM thẩm định về 4 dự án nâng cấp, mở rộng các trục đường cửa ngõ theo loại hợp đồng BOT, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 58.000 tỷ đồng.
Đây là các dự án được triển khai theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và Nghị quyết số 79/NQ-HĐND về ban hành danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng BOT. TP.HCM cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước áp dụng mô hình dự án BOT trên tuyến hiện hữu. Theo danh sách ban đầu, Sở GTVT TP.HCM công bố có 5 dự án BOT trên tuyến hiện hữu dự kiến triển khai, nhưng sau khi công bố, nhiều nhà đầu tư cho biết, Dự án Cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh) không phù hợp để thực hiện theo hợp đồng BOT vì chiều dài tuyến rất ngắn. Sở GTVT TP.HCM đã rút lại dự án này.
Báo cáo của Sở GTVT TP.HCM đã nêu rõ phương án thiết kế kỹ thuật của từng dự án. Với dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất là Quốc lộ 13, sẽ mở rộng đường từ 4 - 6 làn xe lên 10 làn, rộng 60 m... Đồng thời, Dự án xây dựng một đường trên cao dài 3,2 km có quy mô 4 làn xe, đường song hành hai bên (60 km/h) giúp tách biệt dòng xe, hạn chế xung đột với các đường băng ngang. “Dự án BOT này chỉ thu phí với phần đường chính (trên cao), tránh ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân trong khu vực”, Sở cho biết.
Sở GTVT TP.HCM thông tin thêm, các dự án sẽ được giải phóng mặt bằng từ năm 2025, song song hoàn tất các thủ tục và lựa chọn nhà đầu tư. Quá trình xây dựng thực hiện trong năm 2026, hoàn thành và khai thác sau đó 2 năm.
Dưới góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải cho biết, với kinh nghiệm tham gia nhiều dự án PPP thời gian qua, Nhà đầu tư rất quan tâm đến việc áp dụng các thiết kế kỹ thuật, công nghệ thi công tiên tiến, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công, tăng công suất, hiệu quả. Điều này cần được TP.HCM lưu ý để đánh giá tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư.
Ông Lê Quỳnh Mai, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, các dự án BOT trên tuyến hiện hữu triển khai trong khu vực đô thị cần thống nhất về chủ trương thu phí theo chặng (km) thay vì phương án thu theo lượt mới hấp dẫn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cả 4 dự án này có chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn, chiếm hơn 50% tổng mức đầu tư. Do đó, Thành phố phải tách hạng mục này thành dự án riêng, phân công trách nhiệm cụ thể để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Với nhiều kinh nghiệm triển khai dự án PPP tại TP.HCM, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM nhấn mạnh, công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án BOT phải công khai, minh bạch và có những tiêu chí gắt gao để kiểm soát năng lực tài chính của nhà đầu tư. Ngoài ra, để 4 dự án BOT này thu hút sự tham gia của đông đảo nhà đầu tư, cần đưa vào hợp đồng nội dung Thành phố bàn giao 90% mặt bằng thì nhà đầu tư mới bắt đầu thi công. Vì thực tế thời gian qua, nhiều nhà đầu tư PPP bị chôn vốn, thiệt hại nặng nề do không đủ mặt bằng để thi công, trong khi các cam kết về bàn giao mặt bằng chưa được thực thí nghiêm.
4 dự án BOT nâng cấp, cải tạo tuyến đường hiện hữu tại TP.HCM
1. Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình), đoạn qua TP. Thủ Đức dài 6,3 km, tổng mức đầu tư hơn 21.724 tỷ đồng (đã bao gồm lãi vay). Vốn ngân sách nhà nước tham gia hơn 14.707 tỷ đồng (chiếm khoảng 68%), vốn nhà đầu tư huy động khoảng 7.017 tỷ đồng (chiếm khoảng 32%). Thời gian thu phí 21 năm 4 tháng.
2. Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đoạn từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An qua địa bàn quận Bình Tân và huyện Bình Chánh có chiều dài 9,62 km, tổng mức đầu tư khoảng 16.270 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn ngân sách thành phố tham gia Dự án khoảng 9.611 tỷ đồng (chiếm 59%), phần vốn nhà đầu tư huy động và lãi vay khoảng 6.659 tỷ đồng (chiếm 41%). Thời gian thu phí của nhà đầu tư là 21 năm 10 tháng.
3. Dự án Cải tạo Quốc lộ 22, từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3 trên địa bàn Quận 12 và huyện Hóc Môn có chiều dài hơn 8 km, tổng mức đầu tư 10.451 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước tham gia 6.234 tỷ đồng (chiếm 59,65%) và phần vốn nhà đầu tư huy động khoảng 4.217 tỷ đồng (chiếm 40,35%). Thời gian thu phí của nhà đầu tư là 23 năm 10 tháng.
4. Dự án Nâng cấp đường trục Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long An), qua địa bàn Quận 7 và huyện Nhà Bè có chiều dài 8,6 km với tổng mức đầu tư hơn 9.894 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách thành phố khoảng 4.679 tỷ đồng (chiếm 47%), vốn nhà đầu tư huy động hơn 5.214 tỷ đồng (chiếm 53%). Thời gian thu phí của nhà đầu tư là 22 năm 1 tháng.