Trước tình trạng chật chội và ùn ứ của Bến xe Miền Đông tại quận Bình Thạnh TP.HCM, cùng với chủ trương chuyển các bến xe ra ngoại thành, đồng thời mở rộng diện tích các bến xe để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân. Tháng 7/2011, bản quy hoạch chi tiết 1/500 của Dự án xây dựng Bến xe Miền Đông đã được Bộ Xây dựng chấp thuận.
UBND TP.HCM vừa phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 dự án trên. Theo quy hoạch chi tiết, bến xe Miền Đông mới gồm bốn khu A, B, C, D; trong đó, khu A là đất bến bãi, công trình công cộng và phụ trợ, với công trình cao nhất có 26 tầng, có diện tích 122.480 m2 (chiếm 76,37%,); khu B là trạm xe buýt (cao 2 tầng); khu C là kho trung chuyển và giao dịch hàng hóa (cao 5 tầng); và khu D là khu thương mại dịch vụ (cao 15 tầng).
Đồng thời, Bến xe miền Đông mới cũng đã được tính toán kết nối với các tuyến xe buýt, đặc biệt là tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Bến xe mới có diện tích 160.370,2 m2 thuộc địa bàn phường Long Bình, quận 9, TP.HCM (123.111,2 m2 - chiếm hơn 3/4 diện tích) và phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương (37.259 m2 - chiếm gần 1/4 diện tích).
Tổng công ty TNHH một thành viên Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) - chủ đầu tư dự án bến xe Miền Đông mới và cũng là đơn vị lập quy hoạch - cho biết bến xe là một tổng thể khu vực liên hợp nhiều công trình phục vụ đa chức năng, đáp ứng nhu cầu của hành khách và hoạt động dịch vụ của bến xe; là đầu mối vận chuyển hành khách đa hướng tuyến, quy mô lớn, đáp ứng được định hướng phát triển trong tương lai.
Theo chủ đầu tư, để thực hiện dự án thì chủ đầu tư phải thực hiện đền bù và di dời 31 hộ dân và 5 doanh nghiệp nhà nước nằm khu vực của Dự án, với tổng kinh phí khoảng gần 900 tỷ đồng.
Dự kiến trong năm nay sẽ khởi công dự án để kịp tiến độ di dời toàn bộ hoạt động của bến xe cũ vào năm 2018. Bên cạnh đó, sau khi Bến xe miền Đồng cũ được di dời, Samco sẽ được sử dụng 1/2 diện tích dự kiến sẽ xây dựng bến luân chuyển xe buýt, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê để khai thác.