Công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2017 có sự đóng góp lớn của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài là Samsung. Ảnh: Đức Thanh |
Vượt mục tiêu tăng trưởng
Theo số liệu của Tổng cục thống kê công bố chiều 27/12, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016, trong đó quý I tăng 5,15%; quý II tăng 6,28%; quý III tăng 7,46%; quý IV tăng 7,65%. Như vậy, mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu đề ra 6,7% và cao hơn mức tăng trưởng của các năm từ 2011 - 2016.
Trong mức tăng 6,81% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có sự phục hồi đáng kể với mức tăng 2,9%, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8%, đóng góp 2,77 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,44%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành thủy sản có mức tăng cao nhất với 5,54% do sản xuất thủy sản năm 2017 có nhiều khởi sắc so với năm 2016. Ngành lâm nghiệp tăng 5,14%. Ngành nông nghiệp tăng 2,07% cho thấy dấu hiệu phục hồi của ngành nông nghiệp sau những ảnh hưởng nặng nề của thiên tai năm 2016, xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành theo hướng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã mang lại hiệu quả.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 7,85%. Điểm sáng của khu vực này là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 14,4% (là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây). Ngành khai khoáng giảm 7,1% là mức giảm sâu nhất từ năm 2011 trở lại đây, chủ yếu do sản lượng dầu thô khai thác giảm hơn 1,6 triệu tấn so với năm trước; sản lượng khai thác than cũng chỉ đạt 38 triệu tấn. Ngành xây dựng duy trì tăng trưởng khá với tốc độ 8,7%.
Trong khu vực dịch vụ, một số ngành có tỷ trọng lớn đóng góp vào mức tăng trưởng chung là: bán buôn và bán lẻ đạt mức tăng 8,36% so với năm trước, là ngành có đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,14%, là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,07%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2011.
Về cơ cấu kinh tế năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,34%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,34%; khu vực dịch vụ chiếm 41,32%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10%.
Nhiều điểm sáng tăng trưởng
Nói về những điểm sáng của bức tranh kinh tế năm 2017, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2017, công nghiệp chế biến, chế tạo là một điểm sáng của tăng trưởng kinh tế. Công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2017 có sự đóng góp lớn của 2 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là Samsung và Formosa.
Ông Thúy cho biết, dự kiến năm 2017, Tập đoàn Samsung tạo ra giá trị sản xuất 1,21 triệu tỷ đồng theo giá so sánh, tăng 51% so với năm 2016. Tập đoàn này đóng góp 5,43 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng 14,5% của ngành chế biến, chế tạo trong năm 2017 và đóng góp 3,88 điểm phần trăm vào mức tăng chung 9,4% của ngành công nghiệp trong năm 2017.
Cùng với đó, Formosa năm 2017 dự kiến tạo ra 14,8 nghìn tỷ đồng giá trị sản xuất theo giá so sánh, tăng 332,2% so với năm 2016, đóng góp 0,19 điểm phần trăm vào mức tăng 14,5% của ngành chế biến chế tạo, đóng góp 0,14 điểm phần trăm vào mức tăng chung 9,4% của ngành công nghiệp…
Nhận định chung về bức tranh tăng trưởng kinh tế 2017, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê tổng kết, tăng trưởng kinh tế đạt 6,81% là do tổng cầu trong nước tăng thể hiện qua tổng mức bán lẻ theo giá hiện hành tăng 10,9%, nếu loại trừ yếu tố giá là tăng 9,46%. Điều này phản ánh nhu cầu chi tiêu trong nước tăng. Ngoài ra, tổng cầu quốc tế, thương mại hàng hóa của thế giới cũng tăng đã khiến con số xuất khẩu của Việt Nam đạt tới mức ấn tượng, cao nhất từ trước tới nay - 213 tỷ USD.
Cùng với đó, phía tổng cung của Việt Nam cũng có kết quả khích lệ, thể hiện qua việc chuyển đổi cơ cấu của các ngành kinh tế, như sự chuyển đổi cơ cấu từ nông nghiệp sang thủy sản, ngay trong lĩnh vực nông nghiệp cũng có chuyển đổi cây trồng, vật nuôi…
“Kết quả tăng trưởng của năm 2017 có sự đóng góp quan trọng về vai trò của nhà nước kiến tạo, đã cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh và huy động được nguồn lực đầu tư lớn” – ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.
Với mục tiêu tăng trưởng đạt từ 6,5 - 6,7% trong năm 2018, ông Lâm cho rằng, với đà tăng trưởng của năm 2017 thì chúng ta có nhiều yếu tố thuận lợi để đạt được. Tuy nhiên, nếu không có chỉ đạo điều hành sát sao của Chính phủ hoặc có những giải pháp khi tình hình của khu vực, thế giới có những biến động như những giải pháp quyết liệt mà Chính phủ đã thực hiện trong năm qua thì chúng ta cũng khó đạt được mục tiêu này. Tổng cục Thống kê vẫn có báo cáo xây dựng kịch bản tăng trưởng và có cảnh báo để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo, điều hành sát sao như thời gian qua.