Trong 7 tháng đầu năm 2023, cơ quan thuế đã ban hành 9.800 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng. Ảnh: Internet |
Các hồ sơ đề nghị hoàn thuế mà cơ quan thuế tiếp nhận được phân loại thành 2 trường hợp hoàn thuế trước và kiểm tra trước hoàn thuế sau theo quy định của pháp luật quản lý thuế. Trong đó, gần 80% hồ sơ được cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế trước trong thời hạn 6 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị hoàn thuế của người nộp thuế.
Trong năm 2022, cơ quan thuế cả nước đã ban hành 20.774 quyết định hoàn thuế GTGT với tổng số tiền thuế được hoàn là 150.709 tỷ đồng. Trong 7 tháng đầu năm 2023 (tính đến hết ngày 27/7/2023), cơ quan thuế cả nước đã ban hành 9.800 quyết định hoàn thuế GTGT, tương ứng số thuế đã hoàn 70.356 tỷ đồng.
Qua rà soát các hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau (hồ sơ hoàn thuế lần đầu, hồ sơ của người nộp thuế trong thời hạn 2 năm kể từ thời điểm bị xử lý về hành vi trốn thuế; hồ sơ rủi ro cao theo phân loại quản lý rủi ro ...), cơ quan thuế phát hiện một số hồ sơ đề nghị hoàn thuế có đầu vào đề nghị hoàn là các hóa đơn GTGT hàng hóa, dịch vụ mua của các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế và hóa đơn. Do vậy, cơ quan thuế cần thực hiện các biện pháp kiểm tra, xác minh, đối chiếu để xác định số thuế GTGT đủ điều kiện hoàn thuế, kiểm soát chặt chẽ, tránh gian lận, thất thoát ngân sách nhà nước.
Đối với số thuế đã có kết quả kiểm tra, xác minh, cơ quan thuế kịp thời giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế theo quy định tại Điều 34 Thông tư số 80/2021/TT-BTC, không chờ xác minh toàn bộ mới giải quyết hoàn thuế.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế khẩn trương, quyết liệt có văn bản chỉ đạo các cục thuế trong công tác hoàn thuế GTGT, bảo đảm giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho doanh nghiệp theo đúng quy định. Trường hợp có vướng mắc thì thực hiện đối thoại trực tiếp để có biện pháp tháo gỡ và giải thích cho doanh nghiệp.