Cục ĐTNN nhận định, con số trên cho thấy các doanh nghiệp đang không ngừng phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Về vốn đăng ký, theo Cục ĐTNN, tính đến 20/7/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt trên 15,54 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy vốn đầu tư đăng ký mới tiếp tục giảm, nhưng cả vốn đầu tư điều chỉnh và GVMCP đều tăng mạnh so với cùng kỳ.
Cụ thể, có 927 dự án mới được cấp GCNĐKĐT (giảm 7,9% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt trên 5,72 tỷ USD (giảm 43,5%); có 579 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 3,2%), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 7,24 tỷ USD (tăng 59,3%); có 2.072 lượt GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 13,8%), tổng giá trị vốn góp đạt trên 2,58 tỷ USD (tăng 25,7%).
Cơ cấu ĐTNN 7 tháng đầu năm 2022 theo thành phần vốn đầu tư |
Cục ĐTNN lý giải, vốn đầu tư đăng ký mới 7 tháng đầu năm 2022 giảm mạnh do trong 7 tháng đầu năm 2021 có nhiều dự án quy mô vốn lớn trên 100 triệu USD. Riêng các dự án này đã chiếm tới 62,6% tổng vốn đăng ký mới của 7 tháng năm 2021; đặc biệt trong đó có dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II có vốn đầu tư trên 3,1 tỷ USD và dự án Nhiệt điện Ô Môn II có vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD. Trong khi đó, 7 tháng đầu năm 2022, chỉ có một số ít dự án đầu tư mới có quy mô vốn trên 100 triệu USD và chỉ chiếm 40,2% tổng vốn đầu tư.
Về lĩnh vực, 7 tháng qua, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 3,21 tỷ USD, chiếm gần 20,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo, lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học - công nghệ; thông tin truyền thông với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 526,2 triệu USD và 465 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.
Cơ cấu ĐTNN 7 tháng đầu năm 2022 theo ngành |
Nếu xét về đối tác, có 88 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,3 tỷ USD, chiếm 27,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 27,3% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ hai với hơn 3,26 tỷ USD, chiếm gần 21% tổng vốn đầu tư, tăng 48,2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, với dự án Lego có tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD, Đan Mạch tiếp tục đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,32 tỷ USD, chiếm 8,55% tổng vốn đầu tư.
Tính lũy kế đến ngày 20/7/2022, cả nước có 35.367 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 429,04 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án ĐTNN ước đạt gần 263,17 tỷ USD, bằng 61,3% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.